Tìm giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Tin tức - Ngày đăng : 09:01, 16/06/2017
Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, thực trạng này tiếp tục được ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) đề cập tại buổi họp "Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7 tại Hà Nội", ngày 15/6.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu của năm 2016 trị giá 34,3 tỷ USD, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kiểm soát tới 99,8% trị giá 34,2 tỷ USD.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào DN FDI trong quá trình xuất khẩu hàng điện tử ông Suttisak Wilanan - Phó Giám đốc Điều hành Công ty Reed Tradex cho rằng: Tăng tỷ lệ nội địa hóa mới có thể giúp Việt Nam tận dụng các thể chế kinh tế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để làm được điều đó, nền công nghiệp điện tử Việt Nam cần tăng năng suất, đẩy mạnh chuỗi giá trị và tăng cường nội địa hóa. Ông Hironobu Kitagawa chỉ ra rằng, hiện mức nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng của các DN Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt 34%, trong khi Trung Quốc 68%, Thái Lan là 57% nên DN buộc phải nhập khẩu. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng chi phí và rủi ro cho DN, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí và đảm bảo nguồn cung cấp vật tư, linh kiện ổn định thì việc DN Nhật Bản tìm kiếm các đối tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh hỗ trợ DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ " Bởi hoạt động sản xuất vật tư, linh kiện thường được triển khai bởi DN vừa và nhỏ", ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh.