Quy định riêng về đường sắt tốc độ cao trong Luật Đường sắt

Tin tức - Ngày đăng : 18:48, 17/06/2017

Chiều 16-6, với 397/403 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành (chiếm 80,86%), dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Quy định riêng về đường sắt tốc độ cao trong Luật Đường sắt
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt.

Luật gồm 10 chương, 87 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật Đường sắt năm 2005 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đáng lưu ý, Luật Đường sắt (sửa đổi) có chương riêng (chương XIII) về đường sắt tốc độ cao, trong đó nêu rõ: "Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao". Đây được coi là bước chuẩn bị tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng, làm cơ sở để quá trình đầu tư, quản lý, khai thác sau này được thuận lợi.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đơn vị kinh doanh hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do đường sắt là một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại vốn rất chậm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung về ưu đãi như dự thảo Luật để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển đường sắt. Trên thực tế, nhiều nước có chính sách tương tự. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu và bỏ cụm từ “cao nhất” cho hợp lý với các ngành, lĩnh vực khác.

Một số ý kiến đề nghị cần có ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng không kết nối với đường sắt quốc gia. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng đều được hưởng ưu đãi về sử dụng đất.

Về giá, phí trong kinh doanh đường sắt, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần phải hướng tới việc đưa ngành Đường sắt phát triển theo cơ chế thị trường, nghĩa là chuyển cơ chế từ phí sang giá.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến trên, nhưng việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian. Hiện nay, ở nước ta, kết cấu hạ tầng đường sắt còn rất lạc hậu, chi phí vận hành đường sắt rất cao là nguyên nhân chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác. Nhà nước đang áp dụng cơ chế phí từ doanh thu vận tải đường sắt khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá để thu hút đầu tư kinh doanh là cần thiết, nhưng trong giai đoạn hiện nay, vẫn cần áp dụng cả cơ chế phí để duy trì ổn định hoạt động, tránh có những tác động tiêu cực không cần thiết cho ngành Đường sắt; đồng thời định hướng mở cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo cơ chế thị trường. Khi điều kiện cho phép sẽ chuyển hoàn toàn sang giá.

Theo hanoimoi.com.vn