Để hàng Việt tiếp cận mạng phân phối nước ngoài
Tin tức - Ngày đăng : 15:16, 28/06/2017
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, phát triển kênh xuất khẩu mới giúp doanh nghiệp rút ngắn các khâu trung gian... là những giải pháp thiết thực mà TP Hà Nội và các ngành liên quan đã, đang triển khai. Đây là khâu then chốt giúp sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận mạng phân phối nước ngoài.
Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai luôn đông khách tham quan. |
Cơ hội nhiều, thách thức không ít
Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu trực tiếp vào chuỗi phân phối nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu, mà lượng hàng xuất khẩu cũng tăng đáng kể. Vì các tập đoàn phân phối lớn thường có hệ thống phân phối rộng tại nhiều quốc gia, như Aeon có hàng nghìn cửa hàng tại Châu Á và Nhật Bản, Lotte Mart có hàng trăm trung tâm thương mại tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam…
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận trực tiếp với các nhà phân phối hàng đầu thế giới như Tập đoàn Bourbon (Pháp), Metro (Đức), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)... Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm Việt Nam góp mặt tại đây đều phải qua rất nhiều khâu trung gian, khiến sức cạnh tranh giảm đáng kể do giá thành đến tay người tiêu dùng tăng cao so với giá trị thực tế. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hành trình đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào hệ thống phân phối ngoại còn gian nan gấp nhiều lần do hạn chế về mẫu mã, chứng nhận chất lượng.
Theo bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng như Nhật Bản, hiện nay Mỹ đã thay đổi luật kiểm duyệt chất lượng theo hướng ngặt nghèo hơn, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị trả về. Đơn cử, thay vì kiểm tra chất lượng sản phẩm khâu cuối khi vào thị trường Mỹ, thì họ yêu cầu sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận trên toàn hệ thống chuỗi sản xuất sản phẩm.
Với quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua hệ thống phân phối nước ngoài, mới đây, Chương trình Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản được lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo sát sao. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, "Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội" là một trong những giải pháp triển khai “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài” của Bộ Công Thương...
Tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất
Được biết, tại thị trường Nhật Bản, việc kiểm tra hàng hóa không chỉ là chất lượng sản phẩm cuối cùng, mà phải truy xuất ngược lại quy trình sản xuất ở nước sở tại. Vì vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Hơn nữa, doanh nghiệp Nhật Bản có thói quen làm việc kỹ lưỡng nên họ có nhu cầu trao đổi thông tin đàm phán rất lâu. Đại đa số trường hợp, khách hàng Nhật Bản thường yêu cầu được đưa đến tận nơi sản xuất để tận mắt chứng kiến tổ chức, năng lực sản xuất của đối tác. Thêm vào đó, thời gian đặt hàng thử, số lượng nhỏ kéo dài rất lâu. Nhiều khi, sau vài đơn hàng đầu tiên với số lượng ít, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ kiên trì để tiếp tục nên đã không nhiệt tình trong giao tiếp kinh doanh, dẫn đến mất khách hàng tốt trong tương lai. Đây cũng là một điểm yếu của Việt Nam, vì doanh nghiệp Nhật Bản khi đã bắt đầu giao dịch chính thức thì nổi tiếng là ổn định và trung thành với bạn hàng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Nhật Bản đặc biệt chú ý đến chất lượng hàng hóa; đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã bao bì và dịch vụ hậu mãi. Bao bì sản phẩm phải đúng tiêu chuẩn, hình thức đẹp, kích thước phù hợp nhằm tạo được sự lôi cuốn và tiện dụng cho người sử dụng.
Để tiếp cận được hệ thống phân phối nước ngoài hiện đại, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để có thể tự thực hiện. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn phân phối nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có sự tham gia từ phía các hiệp hội ngành hàng. HPA sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài với mục tiêu là hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp có hiệu quả thông qua các kênh phân phối này.
Trung tâm sẽ tổ chức "Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội" định kỳ hằng năm tại Nhật Bản và nhiều nước khác; đồng thời, phối hợp với các vụ thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối và doanh nghiệp cung ứng, tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm nước ngoài kết hợp đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng, tiếp cận hệ thống phân phối, kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài… Trong đó, mục tiêu trước mắt là tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Lotte, Metro, Auchan… và tập trung vào những nhóm sản phẩm thế mạnh như dệt may, nông sản thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ - quà tặng, đặc sản vùng miền…