Bay qua miền sông trôi

Truyện - Ngày đăng : 09:32, 30/06/2017

Có một cuộc thi ảnh nghệ thuật mang tên “Dòng sông Việt” mới được phát động gần đây. Người ta hy vọng những nhà nhiếp ảnh sẽ kể được những điều cần kể, những khát vọng hay thất vọng về những dòng sông Việt. Có nhiều người đang rất yêu sông, thương sông, xa xót cho sông, nhưng cũng nhiều người khác, sông tồn tại hay không chẳng có gì quan trọng.
Bay qua miền sông trôi


Có một cuộc thi ảnh nghệ thuật mang tên “Dòng sông Việt” mới được phát động gần đây. Người ta hy vọng những nhà nhiếp ảnh sẽ kể được những điều cần kể, những khát vọng hay thất vọng về những dòng sông Việt. Có nhiều người đang rất yêu sông, thương sông, xa xót cho sông, nhưng cũng nhiều người khác, sông tồn tại hay không chẳng có gì quan trọng.


Tôi không nhớ mình đã từng đi qua, đã khỏa nước ở bao nhiêu dòng sông. Những dòng sông lớn chảy dọc dài quanh đất nước, đôi khi tôi chỉ thấy từ một chuyến xe chạy qua cầu, chỉ nhìn thấy dòng sông êm trôi dưới chân cầu, xa xa, mà chưa từng chạm tay vào nước sông, dầu trong hay đục. Có những dòng sông từng trong veo ở quá khứ, khi tôi đứng bên sông, chỉ thấy đen ngòm màu ô nhiễm. Có dòng sông khác, tôi gánh nước tưới rau, lại là dòng sông bé nhỏ vô danh.

Một thời gian tôi từng sống ở quê ngoại, ngôi làng nhỏ bên sông. Trong những buổi non trưa nắng hanh hao, những tiếng ồn động cơ, tiếng loa đài nhạc nhẽo không tồn tại, âm thanh chỉ là tiếng gió, tiếng dòng sông xôn xao chảy, và đôi lúc ở bên kia sông vọng lại tiếng gọi nhau của ai đó trong những ruộng dưa chuột trổ hoa vàng.

Khi đó tôi từng nghĩ: Dù là những dòng sông tên tuổi với những nền văn minh lớn, hay những dòng sông bé nhỏ rì rào chảy qua cánh đồng làng, một dòng sông dạt dào sức sống của phù sa hay trong ngần mát lành, thì điều hạnh phúc nhất đôi khi chính là được sống bên một dòng sông khỏe mạnh và trinh khiết.


Khi hay tin một người anh của tôi quyết định sang Israel lao động, nhiều người tỏ ra thông thái nói rằng tại sao lại mất ngần ấy năm thanh xuân ở một đất nước nổi tiếng giao tranh, tôn giáo khác biệt. Anh tôi dĩ nhiên chẳng thể giải đáp cho tất cả những người kia lý do riêng của anh, nhưng anh nói, đối với một đời người bình thường như mình, đi ra khỏi quê hương đôi khi không phải chỉ để làm kinh tế, mà còn là dịp để trải nghiệm.
Israel có biển Chết, và một phần của biển Đỏ nổi tiếng thế giới, nhưng họ không giàu tài nguyên sông nước, hồ ao. Nước ngọt cho đời sống thường nhật của họ được khai thác từ sông Jordan, ở nhiều vùng khác thì nước ngọt được lọc từ nước biển. Nước thải sinh hoạt lại được dồn có hệ thống về những cái hồ lớn nhân tạo, để từ đây nước thải lại được lọc và tận dụng tưới tắm cho cây trồng và rau màu.

Đừng nghĩ nước tưới cây là từ nước thải sinh hoạt mà cho rằng sản phẩm nông nghiệp của họ nhiễm bẩn. Không phải vậy. Tất cả vẫn đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn quốc tế, và nông sản của họ được nhập sang những thị trường lớn, nổi tiếng khó tính ở châu Âu. Họ vì không có nhiều sông suối ao hồ nên trân quý nguồn nước thiên nhiên ban tặng chăng?

Tất nhiên là như vậy, nhưng có lẽ phải nhìn theo một khía cạnh khác, là sự giáo dục ý thức về tài nguyên môi trường. Một đất nước văn minh trước hết phải là một đất nước biết trân trọng những món quà thiên nhiên ban tặng, và sử dụng nó như cách ban tặng một món quà trân quý cho thế hệ mai sau.


Tại sao một đất nước được thiên nhiên ưu ái nhiều tài nguyên sông hồ như nước ta, mà chúng ta lại bằng những cách rất mạnh mẽ, tàn nhẫn tận diệt chúng. Có biết bao dòng sông đã qua đời, có biết bao những cái hồ nước trong veo, xinh đẹp bị lấp, bị lấn dần, vĩnh viễn biến mất, vĩnh viễn chỉ còn trong ký ức của những người đã đem lòng thương nhớ chúng.


Một lần, khi ngồi câu cá trên bờ sông, tôi thấy trên mặt nước gần bờ trôi nhiều xác con phù du. Tôi đã từng nghe nói về loài phù du đẻ trứng xuống đáy sông. Một ngày kia, tất cả những ấu trùng phù du đều nhất loạt bung lên mặt nước. Việc làm đầu tiên trong đời của chúng là bay lên, bám vào những cành cây, cuống lá trên bờ và lột xác thành côn trùng. Việc đầu tiên sau khi trở thành côn trùng là chúng…lại bay lên, nhưng để nhanh chóng giao phối, lại đẻ trứng xuống lòng sông, và chết đi, ngay tại nơi chúng được sinh ra. Cuộc đời phù du chỉ dài đúng 24 giờ.


Bạn có thể sẽ tự hỏi: Tại sao thiên nhiên lại mất công sinh ra loài phù du, một loài có đời sống vô cùng ngắn ngủi, sinh ra chỉ để sinh ra một thế hệ khác và chết đi, khi chưa kịp sống, chưa kịp làm gì cho đời?


Thực ra, cuộc đời phù du có ngắn hay không, chỉ là dưới cách nhìn của chúng ta, một loài mà về tuổi thọ trung bình có thể 70 năm. Một ngày của phù du trong số 70 năm một đời người, tức là 25200 ngày, hoặc hơn thế, chẳng có nghĩa lý gì. Chúng ta thậm chí lãng quên nhiều ngày đã đi qua của đời mình. Số người có thể nhớ được 70% số ngày trong đời dường như không thể có. Nhưng với phù du thì khác. Việc sống bao nhiêu lâu không nằm trong ý niệm của chúng. Giống như với người điếc bẩm sinh, thì âm thanh không phải là thứ họ mất đi, mà là một thứ không tồn tại với họ. Loài người luôn mơ ước được lột xác, được bay lên bằng đôi cánh (nếu có thể mọc được) của chính mình, nhưng phù du thì không phải ước mơ, không cần tìm cách, chúng sinh ra và chúng làm điều đó.


Tôi đứng bên sông nhìn xác những con phù du bập bềnh trên mặt nước sau khi đã đẻ trứng và chết. Sông cuốn trôi tất cả, dẫu là gì đi chăng nữa. Rồi sông chảy ra biển, lại từ biển theo mây về với đất liền, sẽ thấm đẫm đất đai nuôi cây nuôi người, nuôi vật, hoặc chìm sâu dưới dòng chảy âm thầm của những dòng sông ngầm, hay đổ thẳng ra một dòng sông và bị giết bởi ô nhiễm.

Tôi đã từng không nghe âm thanh nào ngoài gió, tiếng nước khe khẽ vỗ bờ cỏ, và tiếng ai đó gọi nhau trong những vườn dâu xanh mướt, những ruộng hoa dưa chuột ươm vàng bên dòng sông quê ngoại.

Có ai đó đang hát từ một quán karaoke, nghe như là, chảy đi sông ơi, ôi con sông huyền thoại… Có thật ai đó đã hát, hay chỉ là tiếng gió bay qua miền sông trôi…

Tản văn của Song Ngư