Cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:32, 06/11/2021
Tăng cường các biện pháp phòng dịch
Khảo sát nhiều tuyến phố như Vệ Hồ, Xuân La, Võ Chí Công... trên địa bàn quận Tây Hồ, phóng viên ghi nhận các cửa hàng kinh doanh ăn uống, dịch vụ đều tạo mã QR và dán tờ cam kết thực hiện quy định phòng, chống dịch; chủ cửa hàng nhắc khách quét mã. Đáng ghi nhận, các cửa hàng ăn uống đã thực hiện "5K" khá tốt, bố trí cho khách ngồi giãn cách và lượng khách không quá 50% công suất.
Tương tự, trên địa bàn quận Đống Đa và Hai Bà Trưng, nhiều cửa hàng chấp hành nghiêm quy định. Anh Nguyễn Hoàng Nam, chủ hệ thống Hẻm quán trên phố Hoàng Cầu và Xã Đàn, quận Đống Đa cho biết, vào buổi trưa và tối, nhiều khi quán phải từ chối khách hoặc mời sang các hệ thống quán khác để bảo đảm giãn cách xã hội, chỉ bán 50% chỗ ngồi theo quy định.
Anh Trần Diễm, chủ hệ thống quán cà phê KaFa cho biết thêm, quán đông nhất vào thời điểm trưa và tối tại khu vực Hai Bà Trưng cho nên để bảo đảm giãn cách, quán đã yêu cầu khách đến phải quét mã QR và bản thân nhân viên quán đều trang bị khẩu trang và yêu cầu khách ngồi theo đúng hướng dẫn, có ngăn cách bởi vách ngăn.
Việc hàng quán thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch được Đại úy Phạm Đức Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, hằng ngày, đơn vị đều giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch và liên kết với Công an các phường để kịp thời thông báo ở đâu có vi phạm sẽ tiến hành xử lý.
Đại úy Vương Tiến Tâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Đống Đa cũng cho biết thêm, ngoài việc đôn đốc nhắc nhở hàng quán đóng cửa sau 21h, đơn vị còn chủ động phối hợp cùng Cảnh sát giao thông địa bàn thực hiện các chuyên đề đo nồng độ cồn, xử lý nghiêm lái xe sử dụng rượu, bia.
Theo ghi nhận thực tế tại khu vực ngoại thành như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm..., các hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là quán ăn, nhà hàng, lượng khách đến ăn trực tiếp không đông, bảo đảm giãn cách. Theo bà Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bún chả tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết, cửa hàng bố trí khoảng cách giữa các bàn, trên bàn có vách ngăn, các nhóm khách ngồi riêng... nhưng lượng khách đến ăn chỉ đạt 30-40% so với trước khi có dịch...
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và sản xuất, huyện vẫn duy trì hoạt động của 333 tổ Covid-19 cộng đồng, qua đó, hỗ trợ lực lượng chức năng cập nhật thường xuyên tình hình biến động dân cư, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, quản lý sức khỏe đối với người về từ vùng dịch, người dân bị ho, sốt, rát họng, người liên quan đến các ca bệnh trên địa bàn thành phố và các vùng có dịch khác để lấy mẫu, cách ly theo quy định.
Đặc biệt, tại các nơi nguy cơ cao như chợ, siêu thị, nhà hàng, quán ăn..., huyện Đông Anh và Ban quản lý chợ tổ chức hoạt động ổn định trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch; trong đó, có 2 chợ đầu mối, 2 siêu thị, 34 chuỗi cửa hàng Vinmart, 40 chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống.
Tại địa bàn huyện Gia Lâm, sau khi phát hiện các ca nhiễm tại cộng đồng và phải phong tỏa một số khi vực ở các xã Ninh Hiệp, Dương Xá, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng dịch, nhất là tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực công cộng...; khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, tụ tập đông người nơi công cộng, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn...
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang xảy ra, người dân xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) cũng tự giác nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng dịch. Những hộ kinh doanh đóng cửa tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của xã và huyện; người dân cũng hạn chế ra khỏi nhà nên trên nhiều tuyến đường của xã, có rất ít người qua lại. Bà Nguyễn Thị Ngọc, ở xã Ninh Hiệp cho biết, để bảo vệ sức khỏe, bản thân và gia đình bà chỉ ra khỏi nhà để đi mua thực phẩm rồi về nhà ngay.
Vẫn còn chủ quan
Tuy nhiên, quan sát tại đây vẫn còn một số cửa hàng không thực hiện giãn cách. Cụ thể, phố Lạc Long Quân, Nhật Chiêu (phường Nhật Tân); Nguyễn Đình Thi, Thụy Khuê (phường Thụy Khuê); An Dương, Yên Phụ (phường Yên Phụ), còn nhiều cửa hàng để khách ngồi hết công suất hoặc quá 50% diện tích cửa hàng, không bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tại ngõ 81 phố An Dương, vẫn còn nhiều người tụ tập đông, họp chợ ngay dưới lòng đường.
Theo Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Đình Hà, UBND phường mới kiện toàn lại tổ chuyên trách phòng, chống dịch, với 9 cán bộ do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các lực lượng duy trì các hoạt động phòng, chống dịch. Đặc biệt, tổ chuyên trách kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.
Cụ thể, trong ngày 4-11, UBND phường Xuân La xử phạt 10 trường hợp bán hàng rong với tổng số tiền phạt 1,5 triệu đồng và phạt 1 cửa hàng cà phê tạo mã QR không đúng quy định và không nhắc khách quét mã QR.
Tương tự, khảo sát trên địa bàn quận Cầu Giấy, đặc biệt là phường Trung Hòa, đa số người dân khi vào ăn uống đều không tự giác quét mã QR. Việc chấp hành quy định khai báo di biến động chỉ được thực hiện khi có sự nhắc nhở của lực lượng bảo vệ hoặc chủ cơ sở kinh doanh.
Chị Trịnh Thị Huyền, chủ cơ sở bún riêu bề bề, số 116 phố Trung Hoà cho biết, nhiều khách vào ăn hàng không có thói quen quét mã QR, nên cửa hàng phải nhắc nhở thường xuyên. Để chung tay cùng chính quyền phòng dịch, cửa hàng sẽ kiên quyết nhắc nhở khách thực hiện đúng quy định quét mã QR và chấp hành việc kinh doanh đến 21h, giữ khoảng cách giữa các chỗ ngồi, khai báo y tế.
Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải Đăng khẳng định, để giám sát, giúp người dân cũng như 382 cơ sở kinh doanh ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, UBND phường còn chỉ đạo các tổ Covid-19 cộng đồng cùng với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành.
Tại địa bàn huyện Hoài Đức, tính đến ngày 4-11, toàn huyện có 18.522 địa điểm tạo mã QR với số lượt quét trong ngày hơn 5.100 lượt. Một số địa phương có số tạo mã QR và lượt quét cao như xã An Khánh, Kim Chung, An Thượng, thị trấn Trạm Trôi... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân chưa chủ động chấp hành quy định quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, dịch vụ chợ, siêu thị... phải bố trí, tạo điểm quét mã QR; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người dân thực hiện nghiêm việc quét mã QR để quản lý, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.