Hà Nội đã có văn hóa kinh doanh?
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:21, 12/07/2017
Trong buổi hàng rong lẫn giữa những cửa hiệu san sát nơi phố phường, những “tiếng đồn” về các quán “bún chửi, cháo mắng” ở đất Hà thành, nhiều người vẫn nghi ngại với dấu hỏi: Với bao nỗ lực xây dựng văn hóa ứng xử, văn minh thương mại, liệu Hà Nội đã thực sự có văn hóa kinh doanh?
Ẩn trong những điều nhỏ nhặtPhải nói rằng, văn hóa không phải là một bức tranh hữu hình, dựng hôm nay – mai đã rạng rỡ. Để ý trong những điều tưởng như vụn vặt của cuộc sống thường nhật sẽ thấy, văn hóa kinh doanh của người Hà Nội hôm nay đã hiện hình khá rõ, dù vẫn còn những điều chưa hẳn ưng ý.
Với đặc thù riêng của mỗi địa bàn dân cư, người Hà Nội đã định hình cho mình một cách xây dựng lối sống văn hóa riêng. Cứ đến khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm sẽ hiểu vì sao nơi này đưa vào trong dân Đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” để hướng tới mục tiêu phục vụ khách du lịch và xây dựng văn minh thương mại.
Tính từ khi bắt đầu triển khai (tháng 12/2008) đến nay là gần 9 năm, người phố cổ đã có những đổi thay trong cách bán buôn, giao tiếp và cả trong lối sống thường ngày. Chẳng “đao to búa lớn”, nội dung của cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử của người phố cổ chỉ gói gọn trong 5 tiêu chí: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; Giao tiếp, ứng xử có văn hóa; Có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; Trang phục gọn gàng, lịch sự; Kinh doanh văn minh thương mại. Những điều nhỏ nhặt ấy đã bước từng bước vào đời sống, giao thương hàng ngày, để hiện tượng cãi vã, nói thách giữa người bán hàng với khách bớt hẳn đi; hàng hóa không còn tràn ra mặt phố chiếm vỉa hè; hiện tượng chèo kéo, ép giá khách du lịch cũng vắng dần… Người phố cổ còn có hẳn yêu cầu đối với các hộ kinh doanh không bán hàng giả, hàng nhái, không nói thách, chèo kéo khách. Riêng các hộ kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ: Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy… còn được huy động phải trang trí mặt tiền theo quy chuẩn, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Rất nhiều “bà chủ” sạp hàng nơi phố cổ thừa nhận, họ luôn được nhắc nhở về việc ứng xử hòa nhã với khách hàng cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”…
Rõ ràng vẫn 36 phố phường tấp nập bán mua, vẫn hàng rong gồng gánh như một thời Kẻ Chợ, nhưng phong thái xưa đã hòa nhịp trong hơi thở cuộc sống hôm nay. Văn minh thương mại hay chính là văn hóa kinh doanh được dựng xây từ những điều nhỏ nhặt của cuộc sống giao thương hàng ngày như vậy. Nhưng đó chính là màu sắc văn hóa của Hà Nội.
“Mưa dầm thấm lâu”
Hà Nội chưa hẳn đã hết những cân điêu nói thách, chèo kéo, ép giá khách du lịch, chưa hẳn đã hết những hàng quán lấn chiếm vỉa hè, hàng rong nghễu nghện trên phố. Hà Nội cũng đang mải miết trong hành trình kiềm chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và nỗ lực không ngừng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thức ăn đường phố. Bởi xét ra đó cũng là một góc của việc xây dựng người Hà Nội văn minh, xây dựng văn hóa kinh doanh nơi đô thị. Ngay khu vực phố cổ vẫn đôi lần gần đây rầm rĩ chuyện taxi, xích lô “ăn chặn” tiền của khách nước ngoài, khách sạn “ăn chặn” tiền tour; vẫn còn những hộ gia đình chưa tự giác giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, kinh doanh văn hóa. Song phải nói rằng, việc xây dựng văn hóa kinh doanh cũng như một hành trình tạo dựng thói quen cho cư dân đô thị, nên nhất thiết phải như “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể chớp nhoáng trong ngày một ngày hai mà thành.
Nhìn về Hội An – cũng là một khu phố cổ nức tiếng và hấp dẫn du khách, rất nhiều người cho rằng, Hà Nội nên học vùng đất ấy trong mô hình “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh” và đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ. Bởi mô hình “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh” hội trong đó đủ các yếu tố mà một cửa hàng kinh doanh nơi đô thị Hà Nội cần, từ chuyện giao tiếp với khách cho đến chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Còn đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ thì kỳ vọng dẹp bỏ được nạn chèo kéo du khách và bài trí lại không gian buôn bán văn minh, tạo nét độc đáo cho phố cổ. Cái hay ai cũng nhìn thấy, song cũng rõ một điều đất và người phố cổ Hội An không giống đất và người phố cổ Hà Nội. Những gì Hội An làm không phải Hà Nội không tính tới và không thực hiện trong hành trình xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa người Hà Nội. Chỉ có điều Hà Nội “gói” tiêu chí văn minh vào trong những cuộc vận động, những phong trào phù hợp với đặc thù Hà Nội.
Hà Nội đang đi và sẽ dần tới “đích” văn hóa kinh doanh khi những thói quen văn hóa được định hình.