Nhạc kịch 4 tỷ của Hoàng Hà Tùng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:11, 13/07/2017

Giới yêu nghệ thuật đang chờ đợi được thưởng thức nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ” sẽ diễn ra vào ngày 22 và 23/7/2017, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Sở dĩ vở nhạc kịch này được mong chờ như thế không chỉ vì đề tài hấp dẫn, hay thể loại nhạc kịch đang được công chúng quan tâm mà còn vì hồi hộp xem họa sĩ Hoàng Hà Tùng lần đầu “chính danh” viết kịch bản cũng như làm tổng đạo diễn cho nhạc kịch sẽ đem đến những bất ngờ thú vị gì như khi ông cầm cọ sáng tạo những tác phẩm hội họa?
Không chỉ là chuyện của gió, mưa…

Họa sĩ, NSƯT Hoàng Hà Tùng bảo rằng đề tài mà vở nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ” đề cập đến nhiều người tưởng là đề tài “xưa như trái đất”… Không phải sao khi trong ba màn, sáu cảnh của vở nhạc kịch với thời lượng khoảng 2 tiếng rưỡi đều diễn ra trên một con thuyền đang trôi trên sông? Tiếp đó, các nhân vật cũng rất cũ kỹ khi là vua, hoàng hậu, phi tần, hoàng tử. Rồi thì, chuyện họ bàn luận vẫn là chuyện của đất, trời, của sông, gió, mưa?

Nhạc kịch 4 tỷ của Hoàng Hà Tùng
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ”
Ấy vậy mà từ những gì rất quen thuộc đó “Chuyện của dòng sông đỏ” luôn có nhiều mới lạ. Cũng là vua, hoàng hậu, phi tần, các hoàng tử (do các nghệ sĩ Tấn Minh, Thanh Thanh Hiền, Lô Thủy, Khánh Linh, Hoàng Bách, Đình Tùng, Tùng Dương đảm nhiệm) nhưng các nhân vật được xây dựng rất gần gũi, rất đời. Chẳng hạn, vua vẫn đội mũ cao, mặc áo hoàng bào, đi hia nhưng không phải là những chất liệu gấm vóc, lụa là được gắn trang kim lấp loáng mà là bộ trang phục được thiết kế từ chất liệu vải thô với những cách điệu đầy tính thẩm mỹ có thể biến màu theo ánh sáng. Và vua, hoàng tử, hoàng hậu không nói bằng những ngôn ngữ quá cổ kính, sáo rỗng, mỹ miều cùng động tác khuôn mẫu. Trái lại, vua chính là người chèo thuyền, sẽ hát nhạc đương đại – bài hát “Dòng sông sắc đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường và hoàng hậu, phi tần, các hoàng tử sẽ hát những “Mắt tằm”, “Con lắc” (Trọng Đài); “Bay đi”, “Cỏ gà” (Lưu Hà An); “Bến có còn sông” (Nguyễn Cường), “Con sông tình yêu” (Giáng Son)… Thêm nữa, trái với lệ thường, hoàng hậu, phi tần không đứng ngoài cuộc mà cũng tham gia bàn chuyện chống bão giông cùng vua, hoàng tử với bao trăn trở: Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng mãi xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui? Và, ở đó cũng có chuyện nhường ngôi nhưng không theo lẽ thường là những tranh giành, mưu mô huynh đệ tương tàn mà lại êm ái trong tiếng hát ru của người mẹ: “Con ta thơ dại/ cơm chưa đủ ăn/ mặc chưa đủ ấm… Con ơi hãy sống nên người”.

Giữa dòng chảy âm nhạc đương đại ấy, NSƯT Thu Huyền (vai tổng quản) sẽ dẫn chuyện bằng những làn điệu chèo đằm thắm, thướt tha; Tùng Dương phiêu với những vũ đạo “Diên hồng”, “Vó ngựa đường xa”… Cộng hưởng vào đó là không gian sông nước sẽ được sân khấu hóa hiện đại bằng ánh sáng, màn hình led với nhiều sức gợi mà vẫn giữ được vẻ đẹp của sông nước Việt Nam. Cứ thế, sắc màu truyền thống được kết hợp tinh tế, hài hoà cùng sắc màu đương đại, tạo nên vẻ quyến rũ rất riêng của “Chuyện của dòng sông đỏ”.

Dự án nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ” đã được NSƯT Hoàng Hà Tùng nung nấu suốt 5 năm qua. Ông kể rằng, trước đó, ông đã định thực hiện tại nơi ông công tác nhưng vì phía lãnh đạo nhà hát lại muốn giao tổng đạo diễn vở nhạc kịch cho người khác nên ông rút lại. Dịp này, dự án được thực hiện với sự phối hợp của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

“Còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo về một đêm diễn operetta được tôi ấp ủ suốt năm năm qua đều được đưa vào “Chuyện của dòng sông đỏ”. Với tôi, mỗi tác phẩm nghệ thuật luôn luôn phải có được sự tươi mới, khác biệt mang dấu ấn cá nhân từ những miệt mài sáng tạo. Thường thì tôi vẫn thấy các chương trình khác thường lấy tên một chủ đề rồi lấy các bài hát cũ kết nối với nhau thành một chương trình, kể cả các liveshow. Còn “Chuyện của dòng sông đỏ” là 1 chương trình hoàn toàn mới với những bài hát mới, điệu múa mới được kể theo một kết cấu mới trên nền âm nhạc mang dấu ấn riêng của từng nhạc sĩ được viết đo ni, đóng giày cho các ca sĩ trong các nhân vật khác nhau. Những bài hát này đều được các nhạc sĩ sáng tác từ những gợi ý của tôi, thậm chí hai bài “Con lắc” và “Mắt tằm” tôi trực tiếp viết lời, nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc. Các bài hát này mang âm hưởng, kết cấu của âm nhạc hiện đại, không quá dài dòng về lời mà vẫn tạo ra được không gian âm nhạc sâu lắng, gợi mở. Chẳng hạn như bài “Mắt tằm” với những lời hát: “Dòng sông còn mải yêu/ em giờ đây xa quá/ xa như trời xanh xanh/ bãi dâu tím chiều nay/ in trùng khơi…” vẫn có thể khiến khán giả tưởng tượng ra không gian sâu thẳm của tình yêu. Và đằm sâu trong đó là những hình ảnh ẩn dụ - như “mắt tằm” chính là hình tượng người nghệ sĩ rút ruột nhả tơ. Bằng ngôn ngữ hiện đại ấy, câu chuyện tôi muốn kể rất nhẹ nhàng, không nặng tính xung đột, tính cách nhân vật – câu chuyện về dòng sông quê mẹ có nắng mưa, bão giông mà đằm sâu trong đó là tình người, tính nhân văn cũng như triết lý về nhân tình thế thái, về số phận con người trong dòng chảy thao thiết của xã hội, lịch sử…” – NSƯT Hoàng Hà Tùng chia sẻ.

Đam mê không dứt

Dù lịch làm việc ken dày cả ngày nhưng NSƯT Hoàng Hà Tùng vẫn dành cho tôi cuộc gặp gỡ - dù không dài nhưng cũng đủ để cho tôi cảm nhận và lý giải được vì sao máu lửa nghệ thuật trong ông lúc nào cũng bùng cháy mãnh liệt như thế. 

Vẫn phong cách thời trang “có một không hai”, Hoàng Hà Tùng đội mũ vải gắn sao, mặc quần áo yếm hoa lá và ông vẫn bắt đầu câu chuyện bằng tất cả niềm say mê không dứt. Không đợi người gặp muốn hỏi gì, Hoàng Hà Tùng đã giãi bày ngay vì sao lần này ông dựng nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ”, vở nhạc kịch này sẽ có gì mới – “phải mới, phải khác biệt thì mới là Hoàng Hà Tùng”- Ông khẳng định chắc như đinh!

Hỏi chuyện kinh phí dàn dựng lên đến 4 tỷ từ nguồn xã hội hóa cho vở nhạc kịch, Hoàng Hà Tùng vừa gật đầu xác nhận thì đã gạt phắt ngay. Ông cao giọng bảo không thích lôi chuyện tiền nong ra để câu khách vì ông quan niệm rằng, đã là niềm yêu thích, là những ấp ủ thì tự bản thân phải chuẩn bị những điều kiện không chỉ cần và đủ mà còn phải thật tốt, để biến nó thành hiện thực. Với dự án nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ” mà ông đang làm cũng như thế. Là 4 tỷ hay bao nhiêu tỷ không quan trọng mà quan trọng là số tiền lớn ấy đã được đầu tư hiệu quả cho các ê kíp sáng tạo chưa để khán giả được thăng hoa cùng nghệ thuật chưa?

Nhưng, liền sau đó, họa sĩ trầm giọng bày tỏ nỗi lo… “không của riêng ai”, trong tình hình sân khấu nước nhà đầy khó khăn như hiện nay – đó là khán giả. Ông bảo rằng, ông thực sự lo chuyện khán giả không đến rạp vì lâu nay khán giả không còn hào hứng với sân khấu. Theo Hoàng Hà Tùng, sở dĩ sân khấu lâm vào tình trạng này không phải vì khán giả quay lưng lại với sân khấu mà vì sân khấu vẫn quá kỹ, tẻ nhạt, không bắt kịp với đời sống. Nhiều khi các nhà hát dựng vở chỉ là đủ kịch mục do nhà nước khoán trong năm chứ không phải vì khán giả cần gì, muốn gì. Không thể đem sân khấu của 20 năm trước để phục vụ cho khán giả hôm nay. Dần dà, khán giả mất thói quen đến rạp hoặc có đến thì là bằng vé mời chứ rất ít người tự nguyện bỏ tiền túi ra mua vé. 

Vậy nhưng, chính nỗi khốn khó trăm bề ấy của sân khấu lại thôi thúc Hoàng Hà Tùng nhập cuộc. Ông suy tư rằng, phải chăng, đã đến lúc, nên đưa cho khán giả món ăn mới. Ông muốn khán giả thấy được sân khấu luôn có nhiều mới lạ, hấp dẫn; vẫn có thể làm say đắm lòng người qua những sáng tạo, những cống hiến không biên giới của người nghệ sĩ. Và ông đặc biệt nhắm đến khán giả trẻ - vì theo ông đấy mới là nguồn sống của sân khấu tương lai. Thế nên, Hoàng Hà Tùng đã dồn biết bao tâm sức sáng tạo cũng như nguồn lực tài chính vào vở nhạc kịch này, với mục đích có thể góp phần giúp điều gì đó cho sân khấu chứ không đơn thuần là một cuộc chơi…

“Bữa tiệc nghệ thuật đã được chúng tôi chuẩn bị chu đáo và bày ra thịnh soạn. Chỉ còn chờ đợi khán giả hãy gạt bỏ tâm lý lâu nay về sân khấu và đến với bữa tiệc này, sau đó khen hay chê chúng tôi đều đón nhận.” – NSƯT Hoàng Hà Tùng nói.

Đã chuẩn bị để đến phòng thu âm cho kịp giờ nhưng NSƯT Hoàng Hà Tùng vẫn không dứt được câu chuyện. Hoàng Hà Tùng là thế, với nghệ thuật – mãi mãi trong ông là những sáng tạo của niềm đam mê không dứt... 

Miên Thảo