Sân khấu Hà Nội và nỗi buồn vắng khán giả

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:10, 19/07/2017

“Chúng ta nhìn vào nghệ thuật sân khấu Thủ đô từ khi bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và thấy thực trạng nổi trội của nó là “vắng khán giả trầm trọng” - Ngay từ đề dẫn hội thảo “Sân khấu Thủ đô với khán giả hôm nay”, vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, PGS.TS Trần Trí Trắc đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng của sân khấu Hà Nội trong mấy thập kỷ qua như thế.
Bức tranh u ám

Tuy là đề tài không mới nhưng hội thảo vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tác giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu Thủ đô. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã có những bài tham luận sâu sắc, bày tỏ những băn khoăn, trăn trở trước bức tranh đầy u ám này của sân khấu – bắt đầu từ đầu những năm 1990 trở lại đây.

Sân khấu Hà Nội và nỗi buồn vắng khán giả
Nhiều vở diễn của các nhà hát Hà Nội khó khăn trong việc sáng đèn thường xuyên vì vắng khán giả - Ảnh: HT
PGS.TS Trần Trí Trắc đã thực hiện một thống kê rất cụ thể về những hình thức tiếp cận khán giả của sân khấu Hà Nội như: diễn phục vụ chính trị cho khán giả bao cấp bằng vé mời miễn phí xem tại rạp; diễn tham gia vào các lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố, đất nước, bằng những hợp đồng thỏa thuận, có thu; diễn phục vụ học sinh, sinh viên, các cơ quan, tổ chức xã hội, các gia đình theo từng đề tài: lịch sử, phòng chống tệ nạn xã hội… hoặc kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày thành lập bằng hợp đồng có thu; diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài, giao lưu nghệ sĩ với khán giả yêu nghệ thuật; bán vé cho khán giả vãng lai; tham gia đóng phim truyền hình, quảng cáo; nhà hát mở dịch vụ có thu cho thuê địa điểm bán cây cảnh, triển lãm, tổ chức sự kiện (hội nghị, hội thảo, đám cưới, khai trương, lễ kỷ niệm…), cho thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn hoặc hợp tác với các công ty, đơn vị… Từ đó, ông đánh giá sân khấu Thủ đô, tuy mức độ khác nhau, nhưng không hề “vắng khán giả”, không hề “đói nghèo”. Có chăng, chỉ vắng khán giả ở hình thức “khán giả tự bỏ tiền mua vé đến rạp” và chỉ đói nghèo khi lấy “lương cứng” ra làm chuẩn mực cho nhu cầu sống của nghệ sĩ hàng ngày. “Tuy nhiên, nói cho cùng, những hình thức hoạt động tiếp cận khán giả trên của sân khấu Thủ đô vẫn chỉ là manh mún, gặp chăng hay chớ và vô cùng vất vả, đã làm cho các nhà hát thiếu tính chiến lược, thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp và khó đạt được những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật đỉnh cao. Không có một đối tượng khán giả cụ thể thường xuyên theo tinh thần “sân khấu nào khán giả đó” để chăm lo cho phong cách sáng tạo nghệ thuật của mình, mà chủ yếu chạy theo “dịch vụ” với khán giả “tạp mỹ” trong mối quan hệ “tạp thu”, bằng những sáng tạo “tạp phẩm” nhằm thích ứng với cơ chế thị trường “tạp hàng hóa”” – PGS. TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.

Nêu dẫn chứng, nhiều vở diễn được các nhà chuyên môn đánh giá là kịch bản hay, diễn viên giỏi mà lượng khán giả đến xem rất ít ỏi, NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng đây là thực trạng chung của ngành sân khấu. Thực trạng này đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Phải chăng khi nhu cầu cuộc sống ngày một nâng cao, người dân có đầy đủ lượng thông tin trong nước và trên thế giới… hoặc vì cuộc sống mưu sinh quá bận rộn mà họ không có thời gian đến rạp hát thưởng thức nghệ thuật? Hay là các địa điểm để thưởng thức nghệ thuật chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc giá vé quá cao?...
NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhắc “bao giờ cho đến ngày xưa”: “Trước hết, phải thừa nhận một sự thật ngày hôm nay chất lượng các chương trình, vở diễn có hay đến mấy thì mơ ước “cho đến ngày xưa” khán giả chật kín khán phòng sân khấu là chuyện vô cùng khó khăn.”

Sân khấu Hà Nội và nỗi buồn vắng khán giả
Ở góc độ là những nhà quản lý trực tiếp các đơn vị nghệ thuật, các giám đốc, phó giám đốc các nhà hát cũng thừa nhận thực tế này. Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đây là một thực tế không thể né tránh khi các chương trình nghệ thuật, các vở diễn không được khán giả nhiệt tình đón nhận cho dù đó là thể loại nào đi chăng nữa. Mặc dù, các đơn vị nghệ thuật đã liên tục tìm kiếm kịch bản mới, mời đạo diễn giỏi, có tên tuổi để dàn dựng với giá vé tương đối thấp nhưng các buổi biểu diễn doanh thu không còn thu hút được đông đảo công chúng đến rạp, vẫn phải chấp nhận vắng bóng người xem. NSƯT Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội thì chia sẻ rằng những đêm diễn chưa đem lại doanh thu như mong muốn. Những đêm diễn định kỳ hàng tháng, hàng tuần mới chỉ vừa đủ cân bằng thu chi, chưa đem lại kinh phí để tái đầu tư cho tác phẩm mới. Số lượng khán giả tới các đêm diễn thường xuyên vẫn chưa kín rạp. Số đêm diễn của các vở dù được đánh giá cao từ công luận, từ số khán giả tới thưởng thức tác phẩm nhưng tiếc thay số công chúng chưa thực sự lan rộng, vẫn bó hẹp trong phạm vi nhất định.

Giải pháp nào?

Trước bức tranh về khán giả vẫn u ám suốt mấy thập niên qua của sân khấu, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra tại hội thảo với kỳ vọng đem lại cho bức tranh ấy những sắc màu tươi sáng mới. Theo NSND Thanh Trầm, cái yếu và thiếu nhất hiện nay của sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung là kịch bản sân khấu vẫn chưa đáp ứng và theo kịp thời đại, nhất là đối với khán giả trẻ. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ biểu diễn còn hời hợt, không có được vai diễn đóng đinh. Đấy là những yếu tố các nhà hát cần khắc phục để từ đó kéo khán giả lại với mình.

Trong khi đó, từ thực tế một số hoạt động tổ chức biểu diễn được Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện trong mấy năm qua, NSƯT Trần Quang Hùng cho rằng mỗi nhà hát cần hướng tới việc “thanh xuân hóa” đội ngũ nghệ sĩ, mở rộng “cửa” để đón những cá nhân yêu mến  nghệ thuật cải lương tham gia vào tác phẩm; xây dựng đội ngũ cộng tác viên tích cực; tìm tòi kịch bản tốt, có yếu tố mới lạ, kịch tính và hấp dẫn… Bên cạnh những cách “tự thân vận động” đó, NSƯT Trần Quang Hùng còn cho rằng, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước với sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát rất đúng đắn song đi vào cuộc sống quá chậm, quá lạc hậu, chưa có giá trị thúc đẩy hoạt động của nghệ sĩ. Ông nhấn mạnh về việc đưa chính sách xã hội hóa sân khấu áp dụng với các đơn vị sân khấu kịch hát dân tộc nếu không được triển khai một cách thận trọng sẽ dẫn tới hệ quả đánh mất đi những thương hiệu nghệ thuật mà chúng ta đã dày công xây dựng từ bao năm qua. Nếu không có cơ chế tốt, thật khó tìm thấy chỗ đứng cho nghệ sĩ trong xã hội, một sự coi trọng để từ đó, nghệ sĩ có đủ tâm lực sáng tạo. Chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn thì sân khấu mới kéo được khán giả đến rạp, để không lặp lại cái vòng luẩn quẩn: khán giả thưa vắng, nghệ sĩ không còn nhiệt thành, mà càng thiếu nhiệt thành, sáng tạo thì khán giả lại càng không màng đến rạp hát…

Dù là đơn vị nghệ thuật đã được sách Guiness châu Á ghi danh là nhà hát biểu diễn sáng đèn suốt 365 ngày trong năm nhưng NSƯT Đăng Tiến, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn mang mối lo vắng khán giả khi “khán giả ta không quan tâm đến còn khán giả tây dần nhàm chán”. Vì vậy, theo ông, điều quan trọng trước tiên là cần phải xây dựng nhiều chương trình rối nước có chất lượng nghệ thuật, đổi mới cả hình thức lẫn nội dung mà vẫn kế thừa những giá trị cốt lõi của nghệ thuật rối nước cha ông để lại. Cùng với đó, không chỉ riêng nghệ thuật múa rối mà các loại hình nghệ thuật khác cũng phải chú ý đến việc đào tạo lực lượng khán giả nội, thông qua các chương trình giáo dục phổ thông. Công tác tuyên truyền, quảng bá qua các phương tiện truyền thông, xuất bản… cũng là một giải pháp cần các nhà hát quan tâm để đưa các vở diễn, chương trình tiếp cận với công chúng.

Với quan điểm “tiếp cận khán giả hôm nay – phát triển nhà hát tương lai”, NSND Trung Hiếu chia sẻ: “Nhà hát Kịch Hà Nội xác định đây là vấn đề cốt lõi có tác động đến quá trình phát triển bền vững nhà hát. Trong bối cảnh thị trường, xu thế hội nhập hiện nay, để các chương trình, các vở diễn hay chính thương hiệu nhà hát nổi bật, có sức cạnh tranh, được công chúng yêu mến đón nhận đòi hỏi công tác tổ chức biểu diễn phải được xây dựng và triển khai một cách chuyên nghiệp. Nhà hát đã thực hiện giới thiệu chương trình, vở diễn qua website, facebook,  bán vé qua điện thoại di động chuyên biệt… Cùng với đó, trong thời gian tới, nhà hát tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường, tăng cường đội ngũ làm công tác tổ chức biểu diễn, tổ chức giao lưu nghệ sĩ với khán giả…”

Câu chuyện sân khấu vắng khán giả vẫn luôn luôn được quan tâm như thế. “Đây là những trăn trở, dày vò của những người tâm huyết với nền sân khấu nước nhà nhưng lực bất tòng tâm…” – NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ khi hội thảo khép lại.

Miên Thảo