Ga Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:36, 19/07/2017
Đường Ga Đông Anh dài 1.600m, rộng 10,5m.
Từ quốc lộ 3 (đường vào ga Đông Anh) đến ngã ba Ấp Tó, xã Uy Nỗ.
Đường đi qua tổ dân cư 11 thị trấn Đông Anh, Xí nghiệp Vận tải đường sắt, Công ty Chiến thắng (Z 153) của Bộ Quốc phòng.
Nay thuộc thị trấn Đông Anh.
Tên đường mới đặt tháng 6/2008.
Ga Đông Anhgắn liền với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Đông Anh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ga Đông Anh nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Trước đây là tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam do Công ty Đường sắt Đông Dương – Vân Nam thi công. Đoạn Hải Phòng – Hà Nội thông xe năm 1902, đến Việt Trì năm 1903 và đến Lào Cai năm 1906. Sau năm 1954, tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, Quán Triều được xây dựng, ga Đông Anh phục vụ hai tuyến đường sắt nói trên.
Ngày sau khi có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tại nhà ga xe lửa Đông Anh, ngày 16/4/1945 hơn 300 công nhân đã biểu tình đấu tranh đòi chủ xưởng phải phát “bông” mua gạo, vải.
Ngày 18/8/1945, chi bộ nhà ga xe lửa Đông Anh huy động công nhân, lực lượng tự vệ cùng với quần chúng nhân dân các xã Uy Nỗ, Nguyen Khê, Tiên Dương, Xuân Nộn biểu tình, thị uy, tước vũ khí của binh lính ở huyện lỵ. Từ mờ sáng ngày 21/8/1945, từng đoàn người rầm rập từ các ngả tiến về phố huyện với hàng ngũ uy nghiêm, khí thế bừng bừng.
Đoàn người hô vang các khẩu hiệu, tiến vào chiếm lĩnh huyện lỵ, sau đó vào phố Ga để kêu gọi binh lính đầu hàng nhưng không có kết quả. Ban chỉ huy đã hạ lệnh tấn công vào nhà ga xe lửa Đông Anh và đã giành thắng lợi. Sau khi làm chủ hoàn toàn huyện lỵ, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời, thành lập Trung đội lực lượng vũ trang huyện Đông Anh.
Con đường mang tên Ga Đông Anh để ghi dấu sự kiện lịch sử đó.