Qua miền ký ức

Truyện - Ngày đăng : 10:02, 26/07/2017

Xích Thổ, vùng bán sơn địa trù phú với những cánh đồng thuốc lá tốt tươi bên những thung lung vàng trĩu bông rực rỡ, có những con người giàu lòng nhân ái, có đồi thông già 4 mùa vi vút gió reo.

Qua miền ký ức

Đằng đẵng gần nửa thế kỷ xa cách, bữa nay năm anh em chúng tôi lại về thăm Long Kều người lính già và đồng đội năm xưa tại Nho Quan Ninh Bình, trên đường qua có dịp nghé thăm nơi tôi từng đóng quân ở cái tuổi trang đời đẹp nhất. Bâng khuâng trước cảnh vật đã đổi thay theo năm tháng, những mái nhà cấp bốn rợp bóng tre xanh năm xưa được thay bằng những căn nhà tầng khang trang đẹp đẽ, cửa hàng cửa hiệu gần nhau. Đồi thông cũng không còn nữa, nếu không định hình được ngã tư và nhờ một cô gái giúp đỡ đưa đường có lẽ tôi cũng đành chịu.

     Chị Khuy một nữ chủ tịch xã nhanh nhẹn năm xưa nay đã bước vào tuổi 80, gặp tôi trong giây lát như sống lại những ký ức xa xăm, vui vẻ đón tiếp chúng tôi khi tôi nhắc lại từng người Vinh, Lượng, Hóa, Sướng, Phòng mấy chục năm về trước đã từng ở nhà chị. Có lẽ đáng nhớ nhất là trong lúc mọi người đang náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc năm 1972, thì chúng tôi phải bịn rịn chia tay chị và mọi gia đình, lặng lẽ hối hả cùng đơn vị chuyển quân vào phương nam theo chiến dịch. Nhờ chị đưa tôi đến nhà cụ Trí một lão nông thật thà chất phát bao dung, đi qua những địa danh nhỏ, bao hình ảnh thân thương lại hiện về trong tôi tim tôi như đập nhanh hơn. Bồi hồi xúc động nhìn những thửa ruộng mà chúng tôi đã gặt lúa giúp dân vào một ngày chớm đông se lạnh. Kia là khu nhà cũ của chị có dàn su su xanh tươi sai quả, mà phụ thân chị một ông già thương lính như con. Nhìn trường mầm non, mà lòng mam mác nhớ lại lớp mẫu giáo với bầy trẻ nhỏ thơ ngây, có cô giáo Chung dạy học da trắng xinh tươi, hồn nhiên, hay mắc bộ đồ lụa đen tô điểm cho cái cổ ba ngấn kiêu sa, mà bao chàng lính thèm khát. Mỗi khi cho các em ra chơi thường hay tranh thủ về nhà xem tôi vẽ viết và hỏi tôi đầy ý tứ, vì tôi có chút hoa tay nên được ưu ái mấy ngày không phải ra thao trường mà ở nhà làm báo tường để chào mừng ngày Quân đội. Đây ngã tư, ở một góc này có những cây to, nhỏ xen nhau, nơi hằng đêm tôi thường cùng đồng đội ẩn mình đứng gác.

      Dung, cô con gái đầu của cụ, đầy đặn, da trắng trẻo, môi đỏ au đẹp gái, làm kế toán đội sản xuất nay đã lấy chồng xa. Ngày xưa, mỗi ngày nghỉ chủ nhật, thường hay cười rủ tôi lên đồi dỡ sắn về luộc ăn mà tôi không dám, và có những chủ nhật mưa buồn lạnh lẽo tôi thường ngồi, hoặc nằm bò ra giường chùm chăn viết thư, viết nhật ký cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Dung và cô giáo Chung sang chơi, lôi chăn tôi dậy cười khúc khích, trêu đùa, hay gọi tôi là Hoàng tử cấm cung…

     Biên, chú em của Dung khi ấy mới năm tuổi, nay đã trở thành một trung niên với gương mặt từng trải đang là chủ một xưởng mộc có hơn chục người làm thuê, ngỡ ngàng khi tôi nói với em ngày xưa tôi ở đây (khi cụ làm nhà mới hai chúng tôi sang nhà chị Khuy ở tạm xong lại về đây).

Biên nói: Khi còn sống bố em hay nhắc các anh bộ đội lắm, và gọi gian nhà này là căn buồng bộ đội, cửa sổ tròn có xen hoa sơn màu mới bị bộ đội làm hỏng.

Tôi  vội nói: Anh làm hỏng đấy.

     Biên tròn mắt nhìn tôi không chớp, đó là hôm tôi và thằng Phòng không ngủ trưa, đùa vật nhau trên giường, tôi ôm lẳng nó bắn vào cửa sổ song hoa bằng xi măng, đắp hình tròn hoa, lá sen cá vượt vũ môn rất đẹp bị vỡ bung ra. Tôi và nó sợ tái mặt, nó lắp bắp đổ tại tôi, tôi nhận ngay, cụ không nói gì chỉ lẩm bẩm tiếc hoài. Đứng lặng hồi lâu trước di ảnh hai cụ, tôi xúc động thắp nén hương yết kiến và xin lỗi vì tuổi trẻ bồng bột xưa mong hai cụ xá tội cho con, do sức khỏe kém mà mấy chúc năm qua nay mới đến đây được.

     Đây Long Kều, Nhỉnh, Lực những người bạn huấn luyện và chiến đấu cùng tôi năm xưa, vui mừng khôn tả. Ôm lấy tôi, hai bàn tay thô ráp, thợ cày của Long vỗ vỗ vào lung tôi, vạch áo lên xem những vết thương to nhỏ thế nào, quá khứ 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị lại ùa về, ai cũng rơm rớm nước mắt, ai cũng muốn nói nhiều như muốn khỏa lấp những ngày tháng cô đơn vắng bạn. Rôm rả xen lẫn bùi ngùi tràn ngập trong căn nhà rợp bóng cây xanh của miền quê Nho Quan Ninh bình êm ả. Không gian như lặng đi hình như trong chỗ chúng tôi đây còn vắng Luân, Cung, Nhượng, Đóa và một số đồng đội quê đây không bao giờ trở về nữa, để vui cùng ngày tái ngộ hôm nay.

     Xe chạy xa rồi mà lòng tôi vẫ nôn nao theo dọc miền ký ức, ở đó có những bà mẹ mòn mỏi mong ngóng con xa. Có những người lính thoát khỏi chiến tranh, trên mình mang đầy thương tích, già nua ốm yếu đang ngày đêm vật lộn với đồng ruộng để mưu sinh. Ở đó có những mảnh song hoa hình con cá rơi vỡ tung tóe trên một góc sân.

Trịnh Bá Sướng