Phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:53, 27/07/2017

Phố Hàm Long dài 561m, rộng 10m. Từ ngã năm Lò Đúc - Hàn Thuyên đến phố Bà Triệu, xuyên qua ngã tư Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm và cắt ngang qua phố Hàng Bài.
Phố Hàm Long dài 561m, rộng 10m.

Phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ ngã năm Lò Đúc – Hàn Thuyên đến phố Bà Triệu, xuyên qua ngã tư Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm và cắt ngang qua phố Hàng Bài. Đây nguyên là địa phận thôn Hàm Châu, tổng Hậu Nghiêm, sau đổi ra là thôn Hàm Khánh, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc gọi là đại lộ Đuđa đờ Lagơrê (boulevard Doudard de Lagrée). Năm 1945 đổi tên thành phố Hàm Long và giữ nguyên tên phố đến nay.

Nay thuộc hai phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Hàm Long chính là mượn tên một ngôi chùa có từ đời Lý, tới thế kỷ XVII là ngôi chùa có quy mô khá lớn. Nhất là sau khi hoàng hậu của Lê Hi Tông (1676 - 1705) đến cầu tự rồi sinh được hoàng tử, sau lên ngôi là Dụ Tông (1705 - 1729), chùa này trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của kinh thành. Không những nhà vua mà cả nhà chúa (Trịnh Cương) cũng xuất tiền cho việc mở mang chùa. Ngày nay khu vực chùa này đã bị thu hẹp, di tích còn lại chỉ là hai tấm bia rất lớn, cả hai đều có tên là “Hàm Long tự bi ký” và đều dựng năm 1714. Văn bia do hai nhà văn hóa nổi tiếng đương thời là Đặng Đình Tướng và Nguyễn Quý Đức soạn, nội dung ghi lại việc vợ chúa Trịnh Cương đã góp tiền góp ruộng cúng vào chùa.

Chùa Hàm Long thờ Phật nhưng lại còn thờ một nhân vật anh hùng truyền thuyết: Ngô Văn Long. Ông này sống từ thời Hùng Vương, gốc ở làng Sinh Quả (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội). Mồ côi cha mẹ, ông rời quê ra cư trú tại xóm Hàm Châu này. Ông theo giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp loạn ở Hoan Châu (Nghệ An) và chống Thục Vương. Sau khi ông mất dân lập đền thờ. Sang đời Lý, đền ấy chuyển thành chùa tức chùa Hàm Long ngày nay.

Đối với lịch sử cách mạng Việt Nam, phố Hàm Long có một ngôi nhà lịch sử: nhà số 5D. Nơi đây vào đầu tháng 3 – 1929 một nhóm hội viên trung kiên và tiên tiến nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 7 người là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung và Nguyễn Tuân (trùng tên với nhà văn Nguyễn Tuân, người này sau phản bội). Ngày 25-11-1959 ngôi nhà ấy đã được khôi phục thành di tích Cách mạng kháng chiến của Hà Nội.