Phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:02, 31/07/2017
Từ ngã tư phố Hàng Đào – Hàng Ngang đến ngã tư phố Hàng Thiếc – Thuốc Bắc – Bát Đàn, cắt ngang ngã tư Hàng Cân – Lương Văn Can.
Đây nguyên là đất thôn Xuân Hoa (đoạn phía Đồng) và thôn Nhân Nội (đoạn phía tây), tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa thành thôn Xuân Yên. Và tổng Tiền Túc cũng đã đổi ra là tổng Thuận Mỹ.
Thời Pháp thuộc phố này là “rue des Paniers” phố Hàng Bồ. Sau cách mạng ta đã chính thức hóa tên gọi này.
Nay thuộc phường Hàng Đào và Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.
Dấu vết các làng cũ ở phố Hàng Bồ là những đình miếu còn sót lại: đền Xuân Yên (của thôn Xuân Hoa cũ) ở số nhà 44 phố Hàng Cân thờ công chúa Lân Ngọc (?), đền Xuân Yên (của thôn Yên Hoa cũ) ở số nhà 6 phố Lương Văn Can thờ Nguyên quận phu nhân (?), đền Nhân Nội ở số nhà 84A phố Hàng Bồ cũng thờ công chúa Lân Ngọc và đình Nhân Nội ở số nhà 33 phố Bát Đàn thờ thần Bạch Mã. Thôn Nhân Nội vốn có tên nôm là thôn Hàng Nồi (có lẽ ngày trước ở đây có nghề làm hoặc bán nồi đất). Gọi là Hàng Bồ vì ở đoạn giữa phố, cho tới đầu thời Pháp thuộc, là nơi tập trung những cửa hàng bán các thứ bồ đan bằng tre nứa. Còn đoạn đầu phố, chỗ tiếp giáp phố Hàng Đào, Hàng Ngang thời xưa có tên là phố Hàng Dép. Ở đây tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Đủ loại guốc: guốc đẽo bằng gốc tre, guốc gõ khắc hoa quai da láng, guốc giày có đế gỗ mà mũi bọc da mộc… Và đủ loại giày dép: dép quai ngang, dép cong, giày hạ (chon am giới), giày cườm và giày mang cá (cho nữ giới)…
Theo gia phả một số họ lớn, như họ Nguyễn ở Du Lâm (nay thuộc huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội) thì vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX) ở phố Hàng Bồ còn có nhiều dinh cơ của các quan lại, đến mức là đương thời đã gọi phố này là “Ô Y hạng” tức “Ngõ áo đen”, lấy điển tích là ở kinh đô nhà Tấn (Trung Quốc, thế kỷ thứ IV) có một ngõ tập trung toàn dinh cơ các cơ quan lại quý tộc thuộc họ Vương, họ Tạ. Họ thường mặc áo đen nên dân chúng gọi ngõ ấy là Ô Y hạng.
Giữa phố có một ngôi đình đã mất: đình của các thợ kim hoàn Định Công dựng để thờ tổ nghề: nhà số 53. Sau các thợ này rút về làng, bán đình cho nhà tư sản Phạm Lê Bẩy. Ông này xây nhà ba tầng làm cửa hàng. Nay là trụ sở báo Lao động.
Khoảng những năm đầu thế kỷ XX, có nhiều Hoa kiều gốc Triều Châu cư trú ở đây, họ cân thóc gạo và hoa quả, một số thì mở hiệu ảnh.