Ngõ Hàng Bông Lờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:16, 31/07/2017
Từ phố Tống Duy Tân đến phố Hàng Bông. Đây nguyên là con đường đi vào cửa mở qua dương mã thành tức là một cái mang cá xây bảo vệ cho cửa Đông Nam của thành Thăng Long đời Nguyễn. Mang cá này có cạnh phía đồng gần trùng với đoạn đường xe lửa chạy ở mé sau phố Tống Duy Tân và song song với phố này (còn cạnh phía Tây thì gần trùng với đoạn cuối đường Điện Biên Phủ).
Thời Pháp thuộc là phố Lông-đơ (rue Llonde). Sau cách mạng ta đổi là phố Cấm Chỉ theo như dân chúng quen gọi vì thời xưa chỗ này là nơi “Cấm chỉ” không cho một ai đi tới khi đã có trống thu không (tức vào lúc chiều tối).
Đợt đổi tên phố tháng 6/1964 đã đổi Cấm Chỉ ra tên này. Sau đó không rõ từ bao giờ, biển tên phố lại ra là ngõ Hàng Bông. Trước đây gọi là ngõ Hàng Bông Lờ là vì phố Hàng Bông đoạn từ ngõ Hội Vũ đến phố Cửa Nam gọi là phố Hàng Bông Lờ vì ở đây bán các loại dụng cụ đánh cá đồng cá sông: lờ, đó, chúm… Còn cái tên Cấm Chỉ thì đã từng có người giải thích bằng sự tích chúa Chổm. Ông chúa này tương truyền có tên là Lê Duy Ninh, con của vua Lê Chiêu Tông với một cô gái bán rượu làng Lủ (Kim Lũ nay thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì – Hà Nội).
Chuyển kể rằng vua Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giam ở gần một cửa ô. Hàng ngày có cô hàng rượu tới bán rượu cho lính canh và cả ông vua ở tù. Hai người dan díu với nhau. Khi cô gái có mang thì Chiêu Tông bị giết. Cô chạy vào Thanh Hóa, sinh ra Chổm. Chổm lớn lên trong cảnh nghèo khó, mắc nợ nhiều. May sao Nguyễn Kim tìm được, đưa lên làm vua tức là Lê Trang Tông và phát động cuộc chiến chống nhà Mạc. Khi họ Trịnh (nối sự nghiệp Nguyễn Kim) thắng Mạc, đưa Chổm về Thăng Long thì bày chủ nở theo đòi nợ suốt dọc đường về đến kinh đô. Vua trả mãi không hết nợ, nên khi xa giá đến chỗ cửa nam thành, ông ra lệnh, cấm chỉ, chém tất những kẻ còn cố đi theo đòi nợ. Chỗ đó chính là ngã tư Cấm Chỉ!
Thực ra đây chỉ là chuyện dân gian kể cho vui và phần nào chế diễu vua chúa chứ Lê Trang Tông được Nguyễn Kim dựng lên năm 1533 có mẹ người Thanh Hóa, họ Phạm. Cả đời ông chưa hề nhìn thấy Thăng Long vì ông chỉ được làm vua từ 1533 đến 1548 thì qua đời và suốt thời gian đó hoàn toàn ở Thanh Hóa. Thăng Long chỉ được Trịnh Tùng giải phóng vào năm 1593 tức 45 năm sau khi Lê Trang Tông qua đời!