Phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:15, 02/08/2017
Từ cửa ô Quan Chưởng đến ngã tư phố Đồng Xuân – Hàng Mã – Hàng Đường.
Đây nguyên là đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.
Phố Hàng Chiếu có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp đổi tên thành phố Giăng Đuy-puy (rue Jean Dupuis), năm 1945 gộp với phố Nattes en Joncs thành phố Hàng Chiếu, năm 1949 vẫn giữ tên phố Hàng Chiếu nhưng tách phố Nattes en Joncs ra, năm 1951 và sau hòa bình vẫn là phố Hàng Chiếu, tên dân gian gọi là phố Mới.
Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Đình của thôn Thanh Hà, cho tới những năm đầu thế kỷ XIX, ở vào chỗ gần kề cửa ô Quan Chưởng. Đến năm 1817 sửa chữa cửa ô này, mở rộng thêm đường nên đình phải dỡ, được dời vào chỗ nay là số nhà 77 phố Hàng Chiếu (nhưng mặt chính lại quay ra phố Ngõ Gạch, chỗ số nhà 10). Đình thờ ông Trần Lựu, tương truyền là người đã lập công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (xem mục Ngõ Gạch).
Cửa ô Quan Chưởng có thể có từ đời Lê, vì vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) đã đắp thành đất bao quanh kinh đô Thăng Long, có mở ra một số cửa ô. Về tên gọi của cửa ô này hiện có nhiều cách giải thích:
1. Có thuyết cho rằng vào cuối đời Lê, có một viên quan Chưởng ấn về hưu, lập dinh cơ ở cạnh ô, do đó mà thành tên.
2. Có thuyết lại cho rằng vào đời Nguyễn có một chức quan Chưởng cơ soát cửa ô này, phàm thuyền bè ghé các bến quanh đây đều phải trình giấy ở viên quan ấy. Vì vậy mà thành tên.
3. Có thuyết giải thích là hồi giặc Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (năm 1873) có một viên quan Chưởng vệ đã hy sinh ở đây. Để tưởng nhớ, nhân dân đã gọi cửa ô này là Quan Chưởng.
Cả ba cách giải thích trên đều là truyền thuyết. Có lẽ chỉ có hàng chữ Hán khắc ở trên vòm cửa chính: Đông Hà môn (cửa Đông Hà) là tên gọi chính xác nhất của cửa ô này. Gọi như vậy là vì vào thời mà Thăng Long chỉ chia ra có 36 phường thì đây thuộc phường Đông Hà. Phường này đã đi vào chính sử từ thế kỷ XVI. Ví dụ Cương mục có ghi: “Năm Bính Tuất, Quang Thiệu thứ 11 (tức năm 1526) Mạc Đăng Dung đã sau Phạm Kim Bảng ám hại Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà”. Tới đời Lê – Trịnh (thế kỷ XVII, XVIII) hàng năm phường Đông Hà – Hàng Chiếu lại là nơi cử hành lễ “tiến xuân ngưu”. Lịch triều hiến chương loại chí có ghi chép về lễ này như sau: “Hằng năm, đến tháng 11, Tư Thiên giám tâu ngày tháng nào là tiết lập xuân và để cả kiểu mẫu làm xuân ngưu, giao cho Bộ Công sai Cục Thường ban làm. Trước tiết lập xuân một ngày, vào buổi chiều, Cục này đem con trâu nặn bằng đất đến đàn tế dựng ở phường Đông Hà. Quan phủ doãn (đứng đầu kinh thành Thăng Long) và hai quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức (từ 1805 đổi là huyện Vĩnh Thuận) làm lễ xong thì cho dân phường rước đến đền ở phường Hà Khẩu. Hôm sau quan phủ doãn đến, lấy cành dâu đánh vào con trâu đất đó, đem vào sân điện nhà vua làm lễ tiến xuân ngưu, võ văn bá quan đều tới hầu lễ”. Như vậy thì lễ này là một hình thức tế tự có tính cách khuyến nông rõ rệt, và được tiến hành ở chỗ bây giờ là phố Hàng Chiếu.
Đến giữa thế kỷ XIX, sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Hà Nội, có ghi: “Phố Đông Hà bán chiếu trơn, có tên nữa là Hàng Bát”. Vào thời điểm đó, ngoài mặt hàng chiếu cói ra, phố Hàng Chiếu còn có thể bán cả bát nữa. Vì chiếu và bát đều là những mặt hàng do đường sông mà nhập vào Thăng Long, chiếu từ vùng biển đồng chua nước mặn và bát từ Bát Tràng, từ An Quảng (Móng Cái). Mà phố Hàng Chiếu thì ở kề ngay sông Cái, sông Tô.
Đối với lịch sử Thủ đô hiện đại, phố này cũng chứng kiến một sự kiện đặc biệt. Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Chiếu là trung tâm của Liên khu I và đứng vững cho tới đêm ngày 17/2/1947 là đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra ngoài thành phố. Thời gian đó, giữa lúc cả Hà Nội, cả Liên khu I đang là một chiến trường ác liệt mịt mù khói súng thì đúng tối mùng Một tết Đinh Hợi (tức ngày 22/1/1947) một bữa tiệc đầy đủ phong vị tết do ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tổ chức tại số nhà 87b phố Hàng Chiếu (là nhà của gia đình ông Ngô Lê Động, sau là liệt sĩ) với danh nghĩa là chiêu đãi các ngoại kiều nhưng thực chất là để tập hợp các đại biểu của họ lại, giải thích cho họ biết tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của ta, đồng thời cũng là để họ tận mắt nhìn thấy khí thế vững mạnh của Liên khu I, gián tiếp bác bỏ luận điệu tuyên truyền của thực dân Pháp là Liên khu I đang kiệt quệ, Trung đoàn Thủ đô đang tan rã.