Phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:37, 03/08/2017
Phố Hàng Da dài 240m, rộng 8m.
Từ phố Đường Thành đến phố Hàng Bông.
Đây nguyên là đất thông Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.
Phố Hàng Da có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là rue des Cuirs, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Da, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố này.
Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.
Ngày trước phố có bán cá loại da trâu, bò thuộc. Đây chỉ là nơi bày bán, còn nơi sản xuất (tức là nơi thuộc da) thì ở trong khu vực giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái vì nơi đó có nhiều bãi cỏ rộng thuận tiện cho việc phơi phóng. Đầu phố Hàng Da có chợ cùng tên. Đây vốn là chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau cỏ và chủ yếu là bán da trâu bò sống hoặc phơi khô, trong chợ chỉ có vài cái lều tạm, cho nên các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê chợ diễn vào buổi tối. Mãi tới khoảng 1937 – 1938 mới xây cầu chợ, chợ từ đó mới định hình. Năm 1942 khi đó phát xít Nhật đang đóng ở Hà Nội và máy bay Mỹ đã tới ném bom, trúng chợ Hàng Da, chết rất nhiều người.
Một hiện tượng văn hóa đáng chú ý là ngôi nhà số 14 vào khoảng 1936 – 1940 là cửa hàng may Lemur, chuyên tung ra thị trường các kiểu áo phụ nữ tân thời do họa sĩ Cát Tường tạo mốt gây nên phong trào cải cách y phục đáng kẻ ở thời kỳ đó.
Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố này là ranh giới phía tây của Liên khu I. Khoảng cuối tháng 12 năm 1946, trong động một phong trào đánh du kích quấy rối địch ở nội thành. Thế là từ vị trí rạp chiếu bóng Ô-lanh-pi-a (nay là rạp Hồng Hà) các chiến sĩ tự vệ đã quật ngã nhiều quân Pháp thập thò ở phía Đường Thành và Phùng Hưng. Quân địch đã phải dùng chiếu căng ngang đường để hòng che mắt các chiến sĩ ta, nhưng đến đêm quân ta lại bí mật tiếp cận, vẩy xăng châm lửa đốt các tấm chiếu đó.