Phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:57, 14/08/2017
Phố Hàng Quạt dài 200m, rộng 8m.
Từ phố Lương Văn Can đến ngã ba phố Hàng Nón – Hàng Hòm.
Đây nguyên là đất thôn Tố Tịch và thôn Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Tên phố có từ thời Pahps thuộc, sau người Pháp đổi tên là “rue des Eventails” năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Quạt. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Đây là hai phố cũ gộp lại: nửa phía đông là phố Hàng Quạt và nửa phía tây là phố Hàng Đàn (thực ra sự phân chia làm hai phố không rạch ròi). Phố Hàng Đàn ngày xưa là nơi tập trung nhiều nàh làm và bán các loại đàn dân tộc: đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… Nhưng từ đầu thế kỷ XX chủ yếu là các cửa hàng làm những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan… Sau nữa lại chuyển sang làm các đồ gỗ thông thường như bàn ghế, tủ chạn…
Còn phố Hàng Quạt thì có những cửa hàng vừa làm quạt, vừa bán quạt – do mình sản xuất và của cả những nơi khác nữa. Nghề làm quạt ở đây là do một số người dân làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đem tới. Họ cư trí ở đây, làm quạt, có lập một ngôi đình thờ tổ nghề là một ông họ Đào. Đình đó nay là số nhà 4, gọi là đình Xuân Phiến Thị tức “chợ quạt mùa xuân”. Có lẽ xưa ở đây là một cái chợ chuyên bán các loại quạt cho người các tỉnh về mua.
Quạt phố này có nhiều loại: Quạt Lủ do làng Kim Lũ (huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) làm ra. Quạt Lủ cũng có nhiều thứ: quạt phất giấy, quạt phất bằng lượt mỏng – một loại lụa bằng ngà… Rồi đến quạt Hới của làng Hải Yến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), nan làm bằng trúc. Quạt Vác (Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thì có đặc điểm là châm kim rất khéo, khi xòe ra soi lên ánh sáng cứ như là quạt phất bằng lượt.
Và rồi còn cả quạt thóc của làng Vo (Nông Vụ, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), quạt nan tre đan theo nhiều hình: lá vải, hình thang… của làng Vẽ (Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội), quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình (quận Hà Đông)…
Hà Nội vốn có nghề làm quạt cổ truyền. Nguyễn Trãi đã ghi vào Dư địa chí phần nói về Thượng Kinh tức Hà Nội: “Phường Tả Nhất làm quạt”.Ngày nay chưa thể đoán định được phường này ở vào chỗ nào. Chỉ biết rằng cho tới cuối thế kỷ XIX ở thôn Yên Nhất (nay là khu vực cuối phố Huế) cũng có nghề làm quạt giấy. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là phố Hàng Quạt ở thôn Thuận Mỹ. Thôn này có đình và đền, nay vẫn còn: đền ở số nhà 64, và đình ở số nhà 74.