Phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:19, 14/08/2017
Phố Hàng Thiếc dài 144m, rộng 6m.
Từ cuối phố Hàng Bồ đến phố Hàng Nón.
Đây nguyên là đất thôn Yên Nội (giáp thôn Đông Thành) tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Tên phố có từ trước thời Pháp thuộc. Sau người Pháp gọi là phố thợ thiếc (rue des Ferblanctiers). Năm 1945 đổi tên là phố Hàng Thiếc theo cách gọi quen thuộc của nhân dân. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Ngày nay đây là nơi tập trung các nhà sản xuất những mặt hàng bằng tôn, kẽm, sắt tây và gương soi. Nhưng trước thời Pháp thuộc, tức là trước khi có các loại tôn lá, kẽm lá, sắt tây thì phố này là nơi sản xuất và bày ấm, khay đựng chén, chóp nón, bình đựng chè… Vì vậy mà có tên là phố Hàng Thiếc (còn về nghề tráng gương thì các cửa hàng loại này quây quần ở thôn Cổ Vũ nay là ngã tư Hàng Bông – Hàng Hòm. Ở số nhà 2 phố Hàng Bông vẫn còn đền thờ ông tổ nghề tráng gương).
Phố Hàng Thiếc và phố Hàng Nón cùng là đất thôn Yên Nội, cho nên đình thôn Yên Nội ở số nhà 42 Hàng Nón, đền thờ ông tổ nghề thiếc ở số nhà 2 của phố này.
Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Thiếc thực sự là mặt trận. Lúc đó phố này là ranh giới phía Tây của Liên khu I. Cho tới hết tháng 1/1947 thực dân Pháp vẫn không chiếm nổi phố này. Chúng cho máy bay dội bom xuống hai bên phố. Nhưng hễ bộ binh của chúng tới là gặp phải làn đạn bảo vệ của các chiến sĩ ta. Ngày 6/2, sau khi cho máy bay dội bom, địch từ Cửa Đông tiến ra Hàng Nón định đánh ngược vào Hàng Thiếc. Nhưng bảy lần chúng xông lên là bảy lần chúng phải lùi lại. Các chiến sĩ của tiểu đoàn 102 thuộc Trung đoàn Thủ đô đã kiên cường giữ từng căn nhà, từng góc phố, ta và địch giành giật nhau từng thước đất, hàng trăm tên địch phải bỏ mạng ở phố này. Năm 1947 Thành phố đã cho gắn biển di tích lưu niệm tại bức tường hồi nhà số 5 phố này để ghi lại chiến tích anh hùng đó của quân và dân Hà Nội.