Không khí Tổng khởi nghĩa ở một làng ven Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 15:27, 25/08/2017
Kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2017), chúng tôi xin điểm lại một số di cảo của nhà văn Tô Hoài về những ngày Tổng khởi nghĩa 1945 ở quê ông. Đấy là làng Nghĩa Đô - một làng ven đô Hà Nội, nơi ông và các thế hệ nhà văn trẻ hồi ấy như: Nam Cao, Thôi Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… đã cầm súng đi theo Đảng ngay từ những ngày đầu tiên.
Nhà văn Tô Hoài
Một hôm Hương “đen” lên Nghĩa Đô, đến nhà tôi, Hương bảo tôi:
-Họp ở đây được không?
- Được
- Nhiều người hơn mọi khi đấy
- Độ bao nhiêu?
- Khoảng mười người mà có thể liền một hai ngày…
- Bao giờ?
- Cứ lo sẵn đi. Rồi có người đến hẹn nữa.
Hương “đen” ngần ngừ hỏi lại tôi:
- Có cáng nổi không?
Tôi cũng ngơ ngẩn rồi ầm ừ, không đậm không nhạt.
- Được
Hương “đen” dường cũng chẳng để ý vẻ ngần ngại thế nào của tôi, lại móc trong lưng ra một khẩu súng brô-ning nhỏ, đen bóng như con quay sừng. Bao giờ thấy súng tôi cũng có một cảm tưởng nghiêm trọng khác thường. Cách mạng phải có những cái này chứ, tôi vẫn cho là thế. Ít lâu sau ngày cách mạng thành công. Xuân Thủy chủ nhiệm báo Cứu quốc cho tôi một khẩu súng lục. Chắc là súng giả, vì trông nó gồ ghề màu bồ hóng không loang loáng như súng của Hương “đen”. Tôi giắt sau lưng áo, cũng không mở xem bao giờ. Thế mà tôi đã đeo khẩu súng ấy với cái máy ảnh Leica - mà tôi không biết chụp – làm phóng viên báo đi Nam tiến, vào tận mặt trận Nha Trang và Củng Sơn ở Nam Trung bộ.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân Hà Nội cùng với lực lượng vũ trang đứng lên giành chính quyền. Ảnh Tư liệu
Thật sự tôi cũng cứ “ừ” thế, nhưng ngổn ngang những cái phải lo thế nào. Đảo chính Nhật rồi, các hoạt động của Việt Minh còn táo tợn hơn trước, dẫu cho bộ máy cả sở Liêm phóng Bắc kỳ, người Pháp đã phải “bàn giao” nguyên vẹn cho người Nhật, ông chủ mới của Đông Dương. Mỗi khi máy bay Mỹ và Anh của đồng minh đến ném bom rải thảm xuống Hà Nội, quân Pháp bị xích chân ở các pháo đài Xuân Canh, pháo đài Láng, pháo đài Cáo vẫn phải bắn cao xạ lên phối hợp với súng phòng không Nhật mà người thành phố phân biệt được khói trắng đạn Nhật, khói đen đạn Pháp. Nhiều mật thám sừng sỏ thời Tây đã bị ta tiêu diệt. Những Phơ tô, Luýt thì chết ngay rồi. Đội Sinh bị giết ở cống Mọc. Cai Long, Ba Lự người Yên Thái thì Thôi Hữu, cán bộ phụ trách ngoại thành đã bắn chết ở dốc Tam Đa, ở lều tiệm hút nhà thổ mụ Tìu đầu làng Bái.
Nhà tôi trong giữa làng, không có vườn hay lũy tre trổ ra đồng, nhưng nếu động, có thể chui rào sau nhà chạy sang làng Tần được.
Lo chính là cái ăn. Đã bao lâu, không còn thấy mặt hạt gạo. Người đói la liệt các xó xỉnh. Không phải đâu xa, mà ngay trong nhà tôi.
Cũng chỉ còn mình tôi ở nhà. Mấy tháng nay bà tôi đã lên ở Sơn Tây. U tôi quang gánh giấy phèn, có khi mấy ngày mới về, chân tay mặt vàng ửng như chat hòe. Người nói có hôm sang Bắc Bỏi, qua tận chỗ Ảo Cả Vực Dê. Các làng bên ấy ai người ta mua thứ giấy hẩm lau bát ấy làm gì bây giờ. Hay là u tôi tránh mặt đi làm mướn, đi ăn mày ở xa, cho tôi không biết.
Bây giờ lấy đâu ra cho cả chục người ăn hai ngày họp. Làng tôi tuy đói dài, nhưng hầu như cả làng đã vào Việt Minh. Thôi Hữu vượt ngục Hỏa Lò ra, bí danh là Tấn, thỉnh thoảng đưa tôi xem tờ “Đuổi giặc nước” cơ quan Việt Minh Thanh Hóa.
Ở làng, trong các chị em phụ nữ cứu quốc, cô Thư yêu Tấn lắm. Có hôm hai đứa đèo xe đạp hôn nhau, chốc lại loạng choạng đâm vào đường tàu điện. Cũng chính ở quãng Cổng Dong cạnh dốc Tam Đa năm trước Tấn đã bắn chết mật thám Cai Long. Tôi biết đêm đêm những gánh sách báo, giấy mực, thuốc súng từ trong thành quảy ra qua vùng này đưa sang bên kia sông Cái và ở cánh đồng Mả Mái sau làng tự vệ chiến đấu ra tập quân sự ngay từ chập tối. Dù đói đến thế, nhưng phiên nào cũng có mít tinh ở chợ Cạnh, chợ Trôi. Cô Thư, áo nâu non đổi vai, vạt thắt quả găng, trễ một bên khẩu súng bro-ninh nữ, chít khăn mỏ quạ, mặt đeo kính râm. Cán bộ Việt Minh xuất hiện diễn thuyết giữa chợ hô hào phá kho thóc, đánh đuổi phát xít Nhật.
Rồi ngày họp đã tới. Các bạn lác đác về như tình cờ đến chơi. Như Phong, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Quốc Hương đến từ sáng sớm. Chập tối, Trần Độ mới vào.
Nhà tôi là ngôi nhà hương hỏa của ông bà ngoại - ông nội đã mất, năm gian nhà ngói cổ, hoang vắng, tiều tụy, đã đổ nát nhiều. Cả tháng chẳng ai tới, cửa ngõ đóng, cỏ rêu lên tận thềm. Nhưng cũng cứ cẩn thận, chúng tôi chỉ ở trong buồng, chỗ phản nằm của Nam Cao và tôi. Chúng tôi cũng làm những việc thông thường và cần thiết mỗi lần họp, dặn nhau các cách đối phó, nếu bị “chó” xộc vào thình lình. Mọi người quây quần hai ngày hai đêm, vệ sinh xuống chỗ chuôm cạn dưới kia.
Hai tài liệu của Trần Độ mang tới để nghiên cứu và thảo luận là: “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943” của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (in năm 1944). Đề cương chưa in, Trần Độ đọc bản chép tay. Đề cương này sau được đăng tạp chí Tiền Phong của Hội Văn hóa, Cứu quốc Việt Nam số 1 ngày 10 tháng 11 năm 1945 tại Hà Nội.
Có lần tôi hỏi Lê Quang Đạo ngày khởi nghĩa thì văn hóa cứu quốc làm gì? Lê Quang Đạo nói: “Văn hóa cứu quốc cũng như mọi đoàn thể, cầm võ khí chiến đấu”. Chúng tôi chuẩn bị dao găm, đèn pin, lắc lê để phá đường tàu, quyên quần áo rét ủng hộ chiến khu Bắc Sơn. Chúng tôi đương làm như thế. Sự thực tình hình, tình thế, thực trạng văn hóa và chiến đấu là như vậy.
Đến ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8, tôi và các bạn trong Văn hóa cứu quốc đều xuống đường, tham gia mít tinh, tuần hành… Tự vệ làng cầm súng , đi bảo vệ các cuộc mít tính. Cờ đỏ rợp trời.
Sau 19 tháng 8 năm 1945, một số hội viên văn hóa cứu quốc và trí thức, sinh viên cứu quốc đều được phân công vào các công tác văn hóa. Tôi còn nhớ: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng (Hội Văn hóa Cứu quốc), Nguyên Hồng, Tô Hoài (báo Cứu quốc), Trần Lâm, Nguyễn Văn Thân, Trần Kim Xuyến (Đài phát thanh) Nguyễn Công Mỹ (bình dân học vụ), Trần Huyền Trân (kiểm duyệt sân khấu), Như Phong (kiểm duyệt sách báo)…
Thiên Việt (Trích từ di cảo của nhà văn Tô Hoài)