Xâm hại trẻ em: Hãy dũng cảm lên tiếng!
Tin tức - Ngày đăng : 16:46, 25/08/2017
Thời gian qua đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức bàn về những vụ việc xâm hại trẻ em. Theo các chuyên gia, còn rất nhiều vụ việc xâm hại bị rơi vào im lặng vì phần lớn nạn nhân, người bảo hộ còn e ngại. Thế nên, để được các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ thì rất cần các nạn nhân, người bảo hộ dũng cảm lên tiếng!
Xâm hại trẻ em - đừng im lặng, hãy lên tiếng. Ảnh minh họa
Thông điệp này cũng đã từng được bộ phim “Hoa hậu thế giới dũng cảm” của Israel gửi đến khán giả Việt Nam khi được công chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace Hà Nội. Tuy nhiên, thông điệp đó khiến bà Phan Thu Hiền- Chuyên gia về giới của Quỹ dân số liên hiệp quốc (UNFPA), chuyên gia tham vấn của Ngôi nhà bình yên, Trung tâm Phụ nữ và phát triển băn khoăn: “Đến bao giờ phụ nữ Việt Nam dám lên tiếng khi bị xâm hại?”
Chuyên gia tham vấn Ngôi nhà bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển - bà Nguyễn Thị Phượng cũng cho biết trung tâm đã tiếp nhận được gần 9000 lượt khách hàng đến tham vấn cũng như tiếp nhiều khách hàng bị xâm hại tình dục. Thế nhưng, hầu hết đều được giữ bí mật và họ không dám lên tiếng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nêu: “Do nhiều lý do mà tình trạng phụ nữ bị xâm hại ở Việt Nam chưa có được số liệu công bố đầy đủ, chưa có được những nghiên cứu cụ thể.”
Có rất nhiều lý do được đưa ra về vấn đề này song tựu chung lại là do tâm lý ngại động chạm những vấn đề tế nhị, ngại đối đầu và ngại sự đàm tiếu từ dư luận xã hội còn đặt nặng vấn đề trinh tiết và trách nhiệm của người phụ nữ trong việc gìn giữ tiết hạnh… có thể làm ảnh hưởng tới tương lai của gia đình và chính nạn nhân, đó là rào cản rất lớn khiến nhiều người trong cuộc không thể vượt qua để tố giác vụ việc. “Trên thực tế, như rất nhiều trường hợp đã chia sẻ, nhiều người đã phải chấp nhận nhìn kẻ liên quan nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí có hành động thách thức. Họ cho rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ danh dự, tương lai cho người thân...” - TS Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) nói.
Điều đáng nói ở đây là khi các bên liên quan quyết định không lên tiếng không chỉ làm mất đi cơ hội tố giác tội phạm, gây thiệt thòi cho nạn nhân, mà còn gián tiếp khiến những vụ việc liên quan đến vấn nạn ấu dâm tiếp tục diễn biến phức tạp. Nói cách khác, khi nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng nghĩa là họ đã bỏ qua cơ hội tố cáo tội ác, cảnh tỉnh xã hội trước vấn nạn ngày một nhức nhối này.
Mặt khác, cũng vì không lên tiếng mà vụ việc xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng rất khó có thể đưa ra khởi tố khi rất khó có nhân chứng cũng như kịp thời thu thập dấu vết tội phạm. Chính vì vậy, sự lên tiếng kịp thời của nạn nhân cũng như người chăm sóc, bảo vệ trẻ là rất cần thiết. Trẻ bị xâm hại không chỉ phải chịu những tổn thương nặng nề về thể xác, mà còn phải gánh chịu những bất ổn về tâm lý, khó có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước. Sự im lặng của người trong cuộc còn khiến trẻ nhận thức lệch lạc về vấn đề trên, thậm chí tự buộc tội bản thân khi chuyện xấu xảy ra trong khi kẻ phạm tội không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, có nguy cơ tiếp tục gây án. Gay gắt trước vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên) đã có lần khẳng định: “Không lên tiếng chính là hành động thỏa hiệp với cái ác, để cái xấu tiếp tục hoành hành, gây hại cho xã hội. Đã đến lúc người trong cuộc cần lên tiếng để những hành vi xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng, tội phạm xâm hại trẻ em phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để những sự việc đau lòng không còn cơ hội xảy ra. Việc lên tiếng còn có tác dụng cảnh tỉnh xã hội, xóa bỏ những định kiến đang tồn tại, bảo vệ quyền lợi, tương lai cho trẻ.” Tuy nhiên, việc lên tiếng này, theo bà Vân Anh cần được thực hiện một cách văn minh, theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây những tổn thương không cần thiết cho các bên liên quan.
“Dũng cảm lên tiếng!” – một việc làm không dễ dàng đối với người liên quan nếu như không có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan. Bằng sự vào cuộc này các đơn vị chức năng sẽ giúp nâng cao nhận thức cho người chăm sóc, bảo vệ trẻ, đẩy lùi rào cản đối với việc lên tiếng đòi hỏi sự công bằng cho người bị hại. Các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội cần tăng cường thông tin hướng dẫn các biện pháp bảo vệ trẻ để người chăm sóc, bảo vệ trẻ chủ động phòng, chống nguy cơ bị xâm hại, nhất là hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ bằng việc đưa nội dung về quyền nhân thân, sự bất khả xâm phạm… vào chương trình giáo dục học đường.
Bài 3: Cần đổi mới giáo dục giới tính ở học đường