Đường Lê Duẩn, thuộc quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:37, 06/09/2017
Đường Lê Duẩn dài 2.194m, rộng 12 -15m.
Từ đường Điện Biên Phủ đến ngã tư Kim Liên, cắt ngang qua phố Nguyễn Thái Học, ngã năm Cửa Nam, ngã tư Khâm Thiên. Ga Hà Nội và Công viên Thống Nhất đều nằm trên đường này.
Đất các thôn Vĩnh Xương, Nam Môn Thị Hoa Ngư, Tứ Mỹ, Cung Tiên (tổng Tiền Nghiêm). Tới giữa thế kỷ XIX tổng này đổi ra tổng Vĩnh Xương, thôn Nam Môn Thị Hoa Ngư đổi gọi là thôn Nam Ngư và hai thôn Tứ Mỹ, Cung Tiên gộp lại thành thôn Tiên Mỹ.
Vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn, ở đoạn đầu phố (phía gần chợ Cửa Nam) có nhiều cửa hàng làm tàn làm lọng bán cho quan lại và các đền chùa. Do vậy mà thời đó phố này có tên là Hàng Tàn, lại có tên là Hàng Lọng.
Thời Pháp thuộc: Phố Hàng Lọng (đến ga Hà Nội) là đường quan lộ - gồm cả đoạn trước ga quen gọi là phố Hàng Cỏ (route Mandarine).
Sau cách mạng: phố Hàng Lọng và đường Cách mạng tháng Tám (đến cổng Vọng).
Thời tạm chiếm: phố Đờlát đờ tatxinhi (rue De Lattre de Tassigny) và phố Kim Liên (từ ngã tư Khâm Thiên).
Sau hòa bình: đường Nam Bộ và phố Kim Liên.
Từ 1978 nhập lại thành tên mới: đường Lê Duẩn.
Nay thuộc các phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm; Văn Miếu, Trung Phụng, Phương Liên, quận Đống Đa; Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.
Tên đường đặt năm 1978.
Về di tích cũ, đường phố này có một ngôi chùa cổ. Đó là chùa Tiên Tích nay là số nhà 110. Nơi đây là đất thôn Nam Ngư cũ. Diện mạo hiện nay của chùa có từ lần trùng tu năm 1906. Nhưng thực ra chùa có từ thế kỷ XVIII. Tương truyền rằng vào đầu đời Lê Cảnh Hưng (những năm 40 của thế kỷ XVIII) nhân vua này đi chơi ở hồ Kiêm Âu, thấy có nàng tiên hiện ra ở gần hồ, ông bèn cho xây một ngôi chùa ở nơi tiên hiện gọi là chùa Tiên Tích (vết tích người tiên). Vài chục năm sau, Nguyễn Án (1770 – 1815) có ghi chép tỉ mỉ về ngôi chùa này trong Tang thương ngẫu lục: “Chùa Tiên Tích ở phía nam, Chúa Trịnh có sửa lại… mấy năm mới xong. Chùa rộng lớn, nóc chồng, cửa kép. Sân bày 8 miếng đá vuông, cao chừng 2 thước, trên bày những chậu lan… Chùa đằng sau dựa vào đường cái, đằng trước trông xuống con ngòi, cây tháp ở bên phải, chín tầng cao, bốn góc đeo chuông. ĐƯờng vào cùa quanh co lát đá. Con cừ chảy vằn vèo vào một cái hồ. Chỗ con cư thông ra hồ có bắc cầu. Trên càu dựng thành nhà. Bên cầu có ly cung làm chỗ vua chúa ngự chơi, trồng sáu bảy cây muỗm, cây thông, cành lá chi chít che cả ánh mặt trời… Cách hồ là nhà Kiều Nhạc hầu Nguyễn Khản”. Nguyễn Án còn kể tiếp rằng vào năm Ất Tỵ (1785), chùa này bị cháy. Sau dân làng Nam Ngư mới làm lại chùa. Hiện nay trong chùa còn một cái chuông do dân làng này cung tiến, có ghi niên hiệu Minh Mạng thứ 14 (1835).
Cách chùa Tiên Tích chỉ mươi mét là sang địa phận ga Hàng Cỏ, có tên gọi như vậy vì chỗ đó ngày xưa thường là nơi mà những người cắt cỏ đem cỏ tới bán cho lính trong thành ra mua. Nhà ga này xây dựng từ năm 1895.
Vào ngày 20/12/1946, chỉ một đêm sau khi bùng nổ tiếng súng Toàn quốc kháng chiến, tại nhà ga này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa tự vệ ta và giặc Pháp. Sáng hôm đó một cánh quân địch từ trong thành kéo ra, qua Cửa Nam định tiến đánh ga Hàng Cỏ. Nhưng chúng đã bị những toa xe lửa lật đổ làm chướng ngại vật cản đường. Đội tự vệ ga và tự vệ phố Hàng Lọng xuất kích đánh tạt sườn địch, tiêu diệt 15 tên Pháp, phá hỏng 1 xe tăng, 2 ô tô vận tải.
Trong thời gian chống Mỹ, trưa ngày 21/12/1972, máy bay của giặc đã đánh nhà ga, bom phá sập hoàn toàn gian đại sảnh. Sauk hi giải phóng miền Nam, ta xây dựng lại và đã hoàn thành vào cuối năm 1976. Ngày 4/12/1976, vào hồi 10 giờ 55 phút, tại ga này đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành đường xe lửa Thống Nhất, nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh sau đúng 30 năm bị gián đoạn.
Phố Kim Liên là một đoạn nối đường Nam Bộ từ ngã ba Trần Nhân Tông đến ngã tư Đại Cồ Việt, so vào bản đồ Hà Nội 1831 đã là con đường tuy nhỏ bé nhưng thẳng tắp, hai bên đều là hồ (một bên nay là hồ Ba Mẫu, một bên là hồ Bảy Mẫu).
Tên phố là mượn tên của một làng ở bên phía tây của đường: làng Kim Liên. Hai bên hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu đều thuộc làng này (xem mục Kim Hoa).
Đường Nam Bộ và phố Kim Liên đã hợp nhất thành đường Lê Duẩn. Như vậy đây là một đường qua nhiều làng thôn cổ, di tích xưa còn lại là chùa Tiên Tích số nhà 110, di tích mới hiện còn là nhà ga Hà Nội (xây từ năm 1895) và công viên Lê-nin. Công viên có diện tích 60 héc ta, bao bọc hồ Bảy Mẫu với khoảng 25 héc ta, được khởi coogn từ 1957, đến 1962 thì hoàn thành. Lực lượng lao động chính là bộ đội, thanh niên, dưới hình thức lao động xã hội chủ nghĩa và nhân dân theo hình thức lao động nghĩa vụ.
Ban đầu gọi là công viên Bảy Mẫu, sau tết Mậu Thân (1968) gọi là công viên Thống Nhất, năm 1981 đổi là công viên Lê-nin nhân sự việc ký hiệp định hợp tác với Liên Xô trên nhiều lĩnh vực, năm 2003 gọi trở lại là công viên Thống Nhất.
Lê Duẩn (1907 – 1986), người huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tham gia cách mạng từ sớm, một trong những đảng viên lớp đầu. Năm 1931 là ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, bị bắt ở Hải Phòng, giam ở Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo đến 1936, 1937 Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, rồi vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940 bị bắt đày đi Côn Đảo, sau Cách mạng tháng Tám trở về tham gia kháng chiến ở Nam Bộ. Năm 1951 được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Năm 1954 là Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1956 Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng. Từ Đại hội III (1960) đến Đại hội V (1982) liên tục được bầu làm Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư của Đảng trong 26 năm liền. Ông đã đề xuất được nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng chống Mỹ cứu nước.