Phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội.

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:33, 07/09/2017

Phố Lê Hồng Phong dài 730m, rộng 12m. Từ đường Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ đến phố Ngọc Hà, cắt ngang qua các phố Chu Văn An, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm.

Phố Lê Hồng Phong dài 730m, rộng 12m.

Phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội.

Từ đường Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ đến phố Ngọc Hà, cắt ngang qua các phố Chu Văn An, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm.

Đây nguyên là phần đất ở trong khu nội thành của thành Thăng Long (đời Nguyễn). Đối chiếu bản đồ Hà Nội 1873 thì phố này trùng với con đường đi ngang qua cửa Võ Miếu.

Thời Pháp thuộc là đường số 60 (voie N060) năm 1909 được đặt tên là đại lộ Giô-va-ni-ne-li (boulevard Giovaninelly). Sau cách mạng đổi là phố Tôn Trung Sơn. Thời tạm chiếm đổi là phố Tôn Thất Thuyết. Tên hiện nay được đặt say ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Lê Hồng Phong (1902 - 1942) tên thật là Lê Huy Doãn, người làng Thông Lạng nay là xã Thông Hưng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông thoát ly gia đình từ năm 1924 sang Thái Lan rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, ông được Bác Hồ giới thiệu vào học trường quân sự Hoàng Phố. Sau khi tốt nghiệp lục quân, ông lại được Bác giới thiệu sang Liên Xô học trường không quân ở Lê-nin-grát... Năm 1932, với sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (còn gọi là Ban lãnh đạo hải ngoại) được thành lập do ông phụ trách để khôi phục và thống nhất phong trào cách mạng trong nước vừa bị tổn thất nặng sau cuộc khủng bố của thực dân Pháp trong những năm 1930 - 1931.

Giữa năm 1935, ông được cử làm trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương sang dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 ở Mát-xcơ-va. Trong thời gian ông đang họp thì ở Ma Cao (Trung Quốc), Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935) đã bầu ông vào Ban chấp hành Trung ương giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936 ông về Trung Quốc (tháng 7/1936) triệu tập hội nghị Trung ương mở đầu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ Mặt trận dân chủ. Cuối năm 1937, ông về Sài Gòn cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cả nước. Nhưng tới giữa năm 1938, ông bị địch bắt. Không khai thác được gì, chúng đã khép ông vào tội mang căn cước giả để kết án 10 tháng tù. Mùa thu 1939, hết hạn tù, địch đưa về quản thúc ở quê. Nhưng hơn 1 tháng sau, chúng bắt lại (ngày 29/9/1939) rồi đày ra Côn Đảo. Chế độ hà khắc của nhà tù đã khiến ông bị ốm nặng và qua đời ngày 5/9/1942.