Vụ "người mẫu trơ xương": Nhà sản xuất đã ném cô ấy cho dư luận xâu xé!
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 19:35, 10/09/2017
Người mẫu Cao Ngân được ví như khung xương di động đang gây sốt cộng đồng mạng. |
Cư dân mạng đang "lên đồng" với hình ảnh người mẫu có "khung xương di động" Cao Ngân trong chương trình chung kết Việt Nam Next Top Model mới được phát sóng trên VTV tối 9/9. Dưới góc nhìn của nhà xã hội học, bà có bình luận gì về việc này?
TS Khuất Thu Hồng: Cô ấy không có lỗi, việc mọi người ném đá cô ấy theo tôi là sốc nổi, không nhìn nhận nguyên nhân từ đâu.
Cái chính là chương trình, nếu chương trình xây dựng được tiêu chí tốt thì những chuyện đáng tiếc như vậy không xảy ra và cô ấy không trở thành nạn nhân của đám đông.
Và tôi nghĩ rằng, chương trình phải chịu trách nhiệm về việc này.
Bà cho rằng đó là điều “đáng tiếc” nhưng xâu chuỗi từ những số đầu tiên phát sóng với rất nhiều scandal dư luận cho rằng dường như đó là chủ đích của những người làm chương trình, và cô Cao Ngân cũng là một trong những chiêu trò nhà sản xuất sử dụng?
TS Khuất Thu Hồng: Tôi tán đồng với ý kiến của bạn, cô Cao Ngân được những nhà sản xuất chương trình sử dụng để gây sự chú ý của công chúng. Nhà sản xuất đã ném cô ấy ra như một miếng mồi cho công chúng xâu xé.
Cách đó quả thực rất tàn nhẫn. Tất nhiên, môi trường người mẫu thời trang rất khủng khiếp, là môi trường ở đó người ta xâu xé lẫn nhau. Và nó cũng là thị trường thì rất kinh khủng (cá lớn nuốt cá bé)…Ngành nghề nào cũng vậy. Nhưng việc tất cả công đoạn bếp núc, đằng sau phông màn như vậy lẽ ra không nên đưa lên trên sóng truyền hình quốc gia.
Vì đưa lên như vậy rõ ràng là cực kỳ phản cảm, nhất là xét dưới góc độ văn hóa giáo dục. Tôi nghĩ cái này là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
TS Khuất Thu Hồng: Cô ấy không có lỗi, việc mọi người ném đá cô ấy theo tôi là sốc nổi, không nhìn nhận nguyên nhân từ đâu. |
Cho nên câu chuyện ở đây, Bộ Văn hóa cần xây dựng tiêu chuẩn nào để được lựa chọn là người mẫu thì không thể là bản thân chương trình đưa ra được mà phải có hội đồng.
Bởi nó liên quan đến sức khỏe, liên quan đến lối sống, hình ảnh … nó ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến lối sống, quan niệm sống về vẻ đẹp. Cho nên cần có hội đồng với những chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả chuyên gia từ lĩnh vực y tế, văn hóa, nghệ thuật… để đưa ra tiêu chí một mặt thúc đẩy cái đẹp một mặt định hướng những cái đẹp phù hợp với văn hóa, không ảnh hưởng đến thế hệ trẻ một cách tiêu cực.
Từ hôm qua tới giờ, xem hình ảnh ấy tôi thấy thương cho cô bé đó, tôi thấy là chương trình phải chịu trách nhiệm về chuyện này, và Bộ Văn hóa chắc là phải lên tiếng.
Được biết, nhiều chương trình truyền hình thực tế do các đơn vị khác phối hợp với VTV3 tổ chức. Vậy trách nhiệm kiểm duyệt của nhà đài ở đâu?
TS Khuất Thu Hồng: Tôi không cần biết công ty nào, đơn vị nào thực hiện nhưng trước khi lên sóng một chương trình truyền hình bao giờ cũng có khâu kiểm duyệt. Do đó để xảy ra những scandal như vậy là trách nhiệm của khâu kiểm duyệt, không ổn.
Hậu trường của chương trình này trước đây đưa lên đã toàn những chuyện cãi nhau, chửi nhau ngoa ngoắt rồi tất cả những mánh khóe, những hằn học, chành chọe đố kỵ với nhau. Ai hay xem chương trình này nhất? Đó chính là lớp trẻ. Thử đặt câu hỏi, người ta đưa những hình ảnh này lên sóng truyền hình nhằm mục đích gì?
Tôi biết mục đích của họ là thương mại, là câu khách nhưng việc thương mại, câu khách phải kết hợp với việc giáo dục chứ không phải thích đưa thế nào thì đưa. Chương trình ngốn tiền của khán giả nhưng đưa những thức ăn độc hại như thế rõ ràng không chấp nhận được.
Sau chương trình này bà có lo sợ có sự thay đổi quan niệm trong chuẩn mực của cái đẹp hay không? Kiểu như đẹp là phải như Cao Ngân, đẹp là phải trơ xương, trơ đầu gối củ lạc…?
TS Khuất Thu Hồng: Xu hướng này giống với phương Tây trước đây ở những năm 70 của thế kỷ trước khi đưa ra hình ảnh cô người mẫu gầy chả kém cô này. Và nó tạo ra trào lưu nhịn ăn dẫn đến chán ăn rồi dẫn đến trầm cảm, tự tử… rất nhiều vấn đề khác trong những cô gái trẻ.
Cái đó mình đi sau phải rút kinh nghiệm chứ, mình không thể dẫm vào vết chân ấy được.
Hiện nay ở một số nước họ đã cấm những người mẫu quá gầy không được phép biểu diễn trên sàn catwalk, không xuất hiện trên sóng truyền hình,… thế mà ở Việt Nam lại để xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia như thế thì không ổn.
Như vậy có mâu thuẫn không giữa việc câu like, câu share với việc sản xuất chương trình chỉn chu, không sạn?
TS Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ rằng sẽ luôn luôn có lượng người xem đông nếu chương trình được thiết kế tốt. Ở đây là người ta không thiết kế chương trình tốt và người ta quẳng tất cả mọi thứ lên, bao gồm cả "rác rưởi” đưa lên. Còn nếu người ta thực sự muốn câu like, câu view mà có trách nhiệm thì phải có việc rèn rũa, cắt gọt như thế nào để nó thực sự có tính chất giáo dục, đảm bảo về mặt thẩm mỹ, văn hóa. Việc câu like như hiện nay nó quá dễ dãi, quá tầm thường và quá dung tục…
Vấn đề là nó sẽ khuyến khích sự dung tục khuyến khích nền văn hóa dung tục trong lớp trẻ và trong xã hội nói chung. Cái đó nghiêm trọng hơn rất nhiều và nó dẫn đến chuyện, người ta sẽ nghĩ “ồ làm truyền hình quá dễ, chả cần phải đạo diễn, chỉ cần quẳng tất cả mọi thứ hầm bà lằng lên thế là mọi người like” rồi. Thế là chết, văn hóa thì cứ đi xuống!
Do đó, tôi kiến nghị, những cuộc thi đưa lên sóng truyền hình cần phải được kiểm duyệt nội dung rất rõ ràng về ngôn ngữ, hình ảnh sử dụng… Bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!