Những bí mật người giàu không bao giờ kể cho bạn
Tin tức - Ngày đăng : 17:14, 11/09/2017
Một nhà thiết kế nội thất khác cũng tiết lộ các khách hàng giàu có của anh luôn tìm cách giấu mác giá, như của các món nội thất đắt đỏ, hoặc các đồ vật khác chuyển đến nhà họ "mà có giá quá lớn". "Chúng sẽ bị bóc đi, hoặc ghi đè lên, để những người làm trong nhà không nhìn thấy", anh nói.
Giàu có thường gắn liền với hình ảnh khoe của. Mọi người tin rằng người giàu thích được chú ý, qua những hình ảnh, tin tức về họ xuất hiện hàng ngày.
Tuy vậy, trên New York Times, tác giả Rachel Sherman cho biết rất nhiều người thuộc top 1% thu nhập cao nhất Mỹ mà cô tiếp xúc đều cảm thấy mâu thuẫn với việc được coi là giàu. Họ vừa thích, vừa không thích điều đó.
Nhiều người giàu không muốn thể hiện mình là người có của cải lớn. Ảnh: Lauren Greenfield |
Thay vì khoe khoang về tiền bạc, tài sản, họ chọn cách im lặng về lợi thế của mình. Họ cho biết mình cũng chỉ là những người "bình thường", làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm và muốn cách ly bản thân khỏi hình tượng thông thường về người giàu, như ích kỷ, khoe khoang, được thừa kế và có nhiều đặc quyền.
Sherman cho rằng những điều này đã nói lên cách mà sự bất bình đẳng về kinh tế được che giấu, điều chỉnh và duy trì trong xã hội Mỹ. Im lặng về tầng lớp xã hội có thể giúp người Mỹ cảm thấy chuyện cách biệt này không thành vấn đề. Và việc phán xét người giàu theo hành vi cá nhân – như họ làm việc đủ chăm chỉ không, có tiêu dùng hợp lý không, có làm từ thiện nhiều không – sẽ khiến chúng ta xao nhãng về các vấn đề như bất bình đẳng trong phân phối của cải.
Giấu được mác giá không có nghĩa là giấu được đặc quyền, Sherman nhận xét. Người trông trẻ dù biết hay không biết giá bánh mỳ của cô chủ cũng vẫn ý thức được khoảng cách về tầng lớp. Tuy nhiên, những hành động như vậy sẽ giúp người giàu kiểm soát được sự khó chịu về cảm giác bất bình đẳng. Nó cũng khiến vấn đề chênh lệch này rất khó nói thẳng, và cũng rất khó thay đổi.
*5 thói quen hàng ngày của các triệu phú tự thân
Sherman đã nói chuyện với một người có tài sản hơn 50 triệu USD. Đây là số tiền hai vợ chồng họ tích lũy được khi làm việc trong ngành tài chính. Căn nhà họ đang ở cũng có giá hơn 10 triệu USD. Người vợ nói: "Chẳng ai biết chúng tôi chi tiêu bao nhiêu đâu. Cô là người duy nhất đấy".
Một người khác thì e ngại với căn penthouse mới mua đến mức yêu cầu bưu điện sửa địa chỉ của họ thành số tầng, thay vì ghi là "áp mái". Người này cho rằng nó "quá khoe khoang và thượng lưu".
Những người Sherman phỏng vấn đều không bao giờ nói về bản thân bằng những từ như "giàu có" hay "thượng lưu". Họ thích "thoải mái" hay "may mắn" hơn. Khi Sherman dùng từ "giàu có" trong email gửi một phụ nữ có tài sản 2,5 triệu USD, có nhà ở khu Hamptons và con cái học ở trường tư, cô đã bị từ chối ngay lập tức. Người này cho biết thực sự giàu có phải là những người bạn của mình, vì họ di chuyển bằng máy bay riêng.
Những người khác thì cho biết giàu có tức là không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc. Còn họ thì vẫn phải lo, vì thu nhập thường xuyên biến động và công việc cũng chẳng phải mãi mãi.
Đạo đức của người giàu là vấn đề muôn thủa. Các doanh nhân thường xuyên được hoan nghênh, nhưng cũng gắn liền với hình ảnh tham lam, tàn nhẫn. Còn những người thừa kế thường bị coi là bê tha.
Những năm gần đây, sau khủng hoảng tài chính, sự bất bình đẳng thu nhập càng được đẩy lên cực điểm. 8 người giàu nhất thế giới đang nắm nửa tài sản toàn cầu, theo báo cáo hồi tháng 1 của Oxfam.
Đó chính là lý do khiến nhiều người không muốn bị coi là thuộc nhóm giàu. Họ luôn cố tỏ ra bình thường. Talia là một người nội trợ, có chồng làm trong ngành tài chính với thu nhập 500.000 USD một năm. Họ có 2 căn hộ liền kề và thuê một căn hộ ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, khi nói chuyện với Sherman, Talia lại cho biết họ có cuộc sống "khá bình thường". "Chúng tôi ăn tối ở nhà cùng gia đình. Lũ trẻ ăn xong, hai vợ chồng tôi cho chúng đi tắm, rồi đọc truyện cho chúng nghe. Chúng tôi vẫn đi bộ đến trường mỗi ngày. Cô biết đấy, vui mà", Talia nói.
Họ không bao giờ nói về giá của những món đồ đắt đỏ. Thay vào đó, họ hào hứng kể về những món hời khi mua xe đẩy cho con, mua quần áo ở siêu thị và lái xe cũ. Họ chỉ trích những người giàu thích thuê resort đắt đỏ với những nhân viên chỉ "mát xa ngón chân". Họ cũng lo lắng về việc nuôi dạy con cái thành "người tử tế" thay vì thành "những kẻ thừa kế hư hỏng".
Bằng việc không đề cập đến tiền bạc, cố trở thành bình thường, họ sẽ tránh được hình ảnh không mấy hay ho về người giàu nói chung. Nếu coi bản thân là những người lao động chăm chỉ và là người tiêu dùng hợp lý, họ có thể vừa thuộc đám đông - về hình ảnh mà vẫn thuộc top trên – về tài sản.