Xây dựng môi trường nhà hàng văn minh không khói thuốc

Tin tức - Ngày đăng : 09:49, 12/09/2017

Khách hàng, người tiêu dùng nào khi đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng đều không muốn lựa chọn một căn phòng hay các điểm ăn uống vui chơi có mùi của khói thuốc lá. Vì vậy, việc xây dựng môi trường khách sạn, nhà hàng văn minh không khói thuốc là một xu hướng tất yếu. Để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình phục vụ khách hàng tốt nhất, hiện nay, nhiều khách sạn nhà hàng đã nói không với thuốc lá.
“Ẩn họa” thuốc lá tại nhà hàng
Kinh doanh nhà hàng - khách sạn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Với mong muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về chất lượng của dịch vụ so với hiện tại mà nhà hàng - khách sạn ngày càng được đầu từ xây dựng với quy mô rộng hơn. Việc nhiều nhà hàng, khách sạn cho khách hàng sử dụng thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử đã phần nào gây ra ô nhiễm môi trường nhất định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ cao. Do đó, đề án bảo vệ môi trường để theo dõi diễn biến môi trường xung quanh khu vực nhà hàng, khách sạn ngăn chặn được những vấn đề ô nhiễm môi trường, cháy nổ các nhà hàng khách sạn phải chú trọng đến việc hạn chế, tiến tới cấm hút thuốc lá tại cơ sở, đảm bảo mỹ quan nhà hàng, ngăn ngừa phòng chống cháy nổ cũng như ảnh hưởng môi trường công cộng cho người xung quanh.

Xây dựng môi trường nhà hàng văn minh không khói thuốc
Chuỗi nhà hàng Hương Vị Xứ Thanh “nói không” với thuốc lá


Để đảm bảo sức khỏe cho cả người già và trẻ nhỏ, nhiều nhà hàng tại Hà Nội đã xây dựng mô hình “Nhà hàng không khói thuốc”. Đây là một trong những cách làm sáng tạo góp phần làm giảm tỉ lệ hút thuốc bừa bãi tại nơi công cộng. Trao đổi với Người Hà Nội, anh Lương Xuân Nguyên - Quản lý hệ thống chuỗi nhà hàng Hương vị Xứ Thanh tại Hà Nội chia sẻ: “Đối tượng của nhà hàng đa dạng trong đó có trẻ nhỏ. Vì vậy, nhà hàng thực hiện từng bước mô hình “Nhà hàng không khói thuốc lá” như tuyên truyền nhắc nhở khách hàng bỏ thuốc lá, không sử dụng thuốc lá khu vực nhà hàng để đảm bảo môi trường trong lành, sạch sẽ và an toàn. 

Vì sử dụng thuốc lá nguy cơ cháy nổ rất cao nếu như người hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Vì vậy, nhà hàng đã dán các biển “Cấm hút thuốc lá” ở những nơi dễ nhìn thấy như: bàn ăn, trước bục lễ tân, khu vực phòng ăn. Đồng thời, nhà hàng cũng khuyến cáo, nhân viên không mua hộ thuốc lá, không châm lửa…cho khách hàng. Trước đây khu vực có khách hàng hút thuốc, nhà hàng phải chuẩn bị sẵn bát nước để nếu khi nhìn thấy khách hàng hút thuốc sẽ tự động gạt vào bát.

“Khi nhà hàng thực hiện mô hình “Nhà hàng không khói thuốc lá” khiến nhiều khách hàng không quen, cảm thấy khó chịu và thậm chí nhiều khách hàng có ý kiến. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người, nhà hàng nỗ lực triển khai các biện pháp tuyên truyền nhắc nhở khách hàng không sử dụng thuốc lá. Hiện nay, phần lớn khách hàng vào nhà hàng đều ủng hộ mô hình này…” – anh Lương Xuân Nguyên nói.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Chủ cơ sở kinh doanh giò, chả, nhà hàng Đức Hằng (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) thì cho biết, khách hàng đến với cơ sở “không khói thuốc lá” của chị vẫn rất đông; cấm hút thuốc lá tại cơ sở nhưng không vì thế mà mất khách; kinh doanh vẫn có lãi vì khách hàng cần chất lượng của nhà hàng và không hút thuốc lá đảm bảo cho sức khỏe. Tiêu chí của nhà hàng là khi khách hàng đến ăn là đã rất quan tâm đến sức khỏe của mình rồi vì vậy không có lý do gì để hút thuốc lá. “Chúng tôi dán biển báo “Cấm hút thuốc lá” rõ ràng tại những nơi dễ nhìn, khi có biển báo thì không cần phải nói nhiều, ai cũng biết là có quy định và thực hiện. Sau đó là có biện pháp nhắc nhở khéo léo để khách hàng không mất lòng. Quan trọng nhất là ý thức của mọi người, mỗi người phải tự biết bảo vệ sức khỏe của mình.”- chị Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Lan, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho biết, cuối tuần vợ chồng và con gái chị lại đưa nhau đi nhà hàng ăn uống, buổi sáng nhiều thời gian cả nhà ra quán cafe ngồi. Theo chị Lan, mỗi lần đưa con vào nhà hàng, quán ăn chị ngại nhất đó là mùi khói thuốc lá, sợ những quán có nhiều người hút thuốc lá. “Một phần vì mùi thuốc khó chịu, một phần lo cho sức khỏe của gia đình nhất là con gái nên chị thường tìm đến những quán, nhà hàng quen và đặc biệt là không có khói thuốc lá…” - chị Lan chia sẻ. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá đã gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Chính vì vậy, nhằm tằng cường thực hiện Luật PCTHTL, mới đây ngày 18/5/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký Văn bản số 5090/BGTVT-CYT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT tổ chức triển khai, thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2017...

Trước đó, mô hình “nhà hàng không khói thuốc” được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada tổ chức. Đến 9/2015 Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá, UBND TP. Hà Nội phố hợp với tổ chức HealthBridge đã tổ chức lớp tập huấn thực thi nhà hàng không khói thuốc trên toàn địa bàn, thực hiện triển khai mô hình đến 30 quận, huyện. Từ đó, số lượng nhà hàng cam kết triển khai mô hình đã tăng đáng kể, điển hình một số quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Theo đó, để hưởng ứng phong trào, đến 10/2015 chỉ tính riêng quận Hoàn Kiếm đã có hơn 200 chủ nhà hàng, quận Đống Đa có 120 chủ nhà hàng và 300 chủ nhà hàng quận Hai Bà Trưng nhận tài liệu hướng dẫn và tập huấn triển khai thực hiện nhà hàng không khói thuốc lá. Các chủ nhà hàng đã tham gia đông đảo các lớp tập huấn và có đến 95% chủ nhà hàng cam kết thực hiện mô hình “Nhà hàng không khói thuốc”.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua từ năm 2012 quy định cấm hút thuốc hoàn toàn trong khu vực nhà hàng và các địa điểm công cộng. Để góp phần tuyên truyền quy định này cũng như giúp mọi người nhận thức đúng đắn về tác hại của thuốc lá, trước đó (ngày 16/11/2016), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge (Canada) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về thực thi nhà hàng không khói thuốc.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, việc thực hiện nhà hàng không khói thuốc sẽ giảm các thiệt hại kinh tế cho nhà hàng như: Giảm chi phí vệ sinh môi trương, bảo trì đồ đạc, giảm nguy cơ cháy nổ, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên..., việc tạo dựng hình ảnh một nhà hàng, khách sạn sang trọng, văn minh, lịch sự, an toàn góp phần làm tăng sự hài lòng, thu hút nhiều khách hơn và tăng lợi nhuận cho nhà hàng. 

Bà Hoàng Anh cho rằng có 8 tiêu chí để xây dựng nhà hàng không khói thuốc, bao gồm: Có nội dung hoặc biển báo cấm hút thuốc trong nhà hàng; không có gạt tàn, bật lửa trên bàn; không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá trong nhà hàng; nhân viên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc; có hình thức xử phạt với nhân viên hút thuốc lá trong nhà hàng; không bán thuốc lá trong nhà hàng; không quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị thuốc lá trong nhà hàng; không nhận hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá.

Để mô hình “Nhà hàng không khói thuốc” đạt được hiệu quả như mong muốn, các cơ quan, tổ chức cần tích cực tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho chủ nhà hàng, nhân viên và người dân thấy được tác hại nghiêm trọng của khói thuốc. Đồng thời, khuyến khích họ tích cực tham gia vào các phòng trào chung của cộng đồng, áp dụng chế tài xử phạt mạnh đối với những người có hành vi vi phạm. Hi vọng rằng ngày sẽ có càng nhiều nhà hàng xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc, vì sức khỏe của khách hàng và của cộng đồng. Nói không với thuốc lá: Xây dựng nhà hàng không khói thuốc.

(Nguồn tham khảo Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia)

Đăng Chung