Hà Nội Kiểm soát dịch sốt xuất huyết: Quyết liệt từ khu dân cư
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:33, 14/09/2017
Năm nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đến sớm và diễn biến bất thường. Mặc dù dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, song Thành phố cùng với ngành Y tế Hà Nội và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương vẫn tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.
Chủ động phòng, chống dịch SXH
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lũy tính từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 9 (3/9/2017), toàn Thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp, đã có 7 trường hợp tử vong, hiện còn 2.088 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế 3.036/3.622 ổ (chiếm 83,8%). Số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu ở một số quận, huyện trọng điểm như: quận Hoàng Mai, quận Đống Đa, quận Thanh Xuân, quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm, huyện Hoài Đức, quận Tây Hồ, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, huyện Thường Tín và có xu hướng lan tỏa ra các huyện ngoại thành.
Còn theo thống kê của bệnh viện Bưu Điện, trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện ghi nhận 4327 lượt thăm khám SXH; riêng tháng cao điểm (8/2017) bệnh viện ghi nhận 5403 trường hợp, điều trị nội trú 755 trường hợp SXH. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc bệnh viện Bưu Điện cho hay, SXH là một bệnh do vi-rút Dengue gây ra và có đến bốn tuýp vi-rút này. Đây là loại bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh, được lây sang người thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Bệnh rất dễ phát triển thành dịch, nhất là khi gặp điều kiện thuận lợi như vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi có điều kiện sinh trưởng thì dịch bệnh càng có cơ hội để bùng phát một cách nhanh chóng. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng yếu.
Bác sĩ Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu Điện thăm khám bệnh nhân SXH tại Bệnh viện.
“Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt…, kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, nên cách phòng bệnh SXH hiệu quả nhất hiện nay vẫn là triệt tiêu môi trường tồn tại, phát sinh, phát triển của muỗi. Thực tế tại Hà Nội cho thấy, những nơi có số ca SXH tăng cao đều là những khu vực dễ phát sinh ổ dịch do vệ sinh môi trường không bảo đảm, có nhiều công trình đang xây dựng, đất trống, bãi giữ xe, kênh rạch, vũng nước tù đọng..., đây là những điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở…” - Bác sĩ Trần Hùng Mạnh thông tin.
Ghi nhận tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn phường đã có 266 trường hợp mắc bệnh SXH, số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện hiện còn 40 trường hợp. Ðể ngăn chặn dịch bệnh SXH lan rộng tại cơ sở, ông Lai Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND phường Trung Hòa nhấn mạnh, ngay trong tháng cao điểm về dịch (tháng 8/2017) phường đã tiến hành tổ chức phun thuốc phòng, chống dịch bệnh tại 30/51 tổ dân cư với gần 5.000 hộ dân. Bên cạnh đó, phường chủ động thành lập các đội xung kích, tổ giám sát để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền, giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Quyết liệt từ khu dân cư
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh - cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh SXH trở nên trầm trọng hơn là thói quen vứt rác bừa bãi (bao nylon, lon rỗng, hộp xốp, vỏ xe…) không những làm ô nhiễm môi trường mà còn gây ra tình trạng nước đọng tạo môi trường thuận lợi cho loăng quăng phát triển. Không vệ sinh thường xuyên các vật chứa nước như: bồn hoa, chậu cây cảnh, hòn non bộ, đồ chứa nước không có nắp đậy, máng nước đọng trên mái nhà… Ngoài ra, các bãi đất trống bỏ không hay những công trình xây dựng dang dở cũng là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi.
“Các tổ công tác, đội xung kích khi kiểm tra phải đi từ trên tầng cao nhất xuống từng tầng của các hộ gia đình, không chỉ kiểm tra trong nhà và xung quanh các hộ gia đình, phải kiểm tra cả những chỗ xen kẹt, bởi thường có rác thải vệ sinh phát sinh nếu không để ý sẽ bỏ sót các ổ bọ gậy. Từ quả trứng đến khi nở thành con muỗi chỉ cần 1 tuần, chính vì vậy nếu chúng ta không đi kiểm tra thường xuyên muỗi lại kịp nở và cất cánh bay lên. Qua các đợt ra quân, nhằm tiếp tục giúp người dân nâng cao nhận thức, tự giác về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh góp phần khống chế tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới…” - Bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh chia sẻ trong đợt ra quân vệ sinh môi trường tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Đội xung kích, tổ giám sát phường Trung Hòa hướng dẫn các bạn sinh viên tình nguyện kiểm tra, xử lý các khu vực loăng quăng, bọ gậy cư trú (Ảnh: Đăng Chung).
Với tiêu chí “không loăng quăng, không muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết”, Bà Hoàng Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng nói, trước tình hình dịch bệnh SXH (21 ổ dịch), phường đã thành lập 42 đội xung kích (thành phần gồm: đoàn Thanh niên, ban bảo vệ dân phố, tổ dân phố…) để triển khai tuyên truyền sâu rộng tại khu dân cư về dịch bệnh SXH. Song song với công tác tuyên truyền, phường cùng đội xung kích triển khai ra quân thu dọn những nơi muỗi sinh sản như chai, lọ, những vật dụng thuỷ tinh, nhựa không còn sử dụng; hàng rào, hố cây, gốc cây, các đồ vật đọng nước quanh nhà như: vỏ đồ hộp, chai lọ, bánh xe hỏng cũ…
Trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội, Bà Trần Thị Minh Vân - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH (từ đầu năm 2017 đến nay, phường ghi nhận 309 trường hợp, với 43 ổ dịch, hiện còn 36 bệnh nhân đang điều trị), phường đã thành lập 23 tổ giám sát, với 180 đội xung kích để chia về 90 tổ dân phố, thường xuyên đi đến từng hộ gia đình hướng dẫn các hộ dân tổng vệ sinh môi trường và lật úp các ổ bọ gậy, đảm bảo mỗi tuần một lần. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cũng đề nghị, mỗi hộ gia đình phải chủ động vệ sinh nơi sinh sống, làm việc, xung quanh nhà; thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật phế thải chứa nước lâu ngày, nhằm hạn chế nơi sinh sản, phát triển của muỗi.
Ông Trần Nhật Thái - Chủ tịch UBND phường Hàng Bột, quận Đống Đa nhấn mạnh, chừng nào mỗi người dân còn lơ là, chưa chú tâm đến việc dọn bỏ nơi ẩn nấp của muỗi ngay trong ngôi nhà mình đang ở thì nguy cơ mắc bệnh SXH vẫn còn hiện hữu. Việc này rất đơn giản, chỉ cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay nước bình hoa; loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước ở trong nhà và chung quanh nhà không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày…
Dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có thuốc dự phòng và điều trị đặc hiệu. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, thì vai trò, trách nhiệm của người dân rất cần được nâng cao. Và việc giúp người dân nhận thức đầy đủ về tác hại, cách phòng chống dịch bệnh SXH, chủ động phòng ngừa cho gia đình và cộng đồng là một trong những giải pháp góp phần giúp chiến dịch phòng chống dịch SXH của Thành phố Hà Nội đạt hiệu quả.