"Vớt chiều" thổn thức mơ về xa… xưa…

Truyện - Ngày đăng : 11:12, 19/09/2017

Chàng trai quê An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình mải mê sự nghiệp và mưu sinh mãi đến khi 63 cái lá vàng rơi mới in tập thơ đầu tiên nhan đề “Tìm lại mùa thu” (2014). Cách một tập “Lặng giữa xôn xao” (2015), bây giờ lại trình làng “Vớt chiều” (Nxb Hội Nhà văn, 2017). Vớt chiều, theo tác giả viết là để “thả si mê” (Vớt chiều lên thả si mê), để “dâng một chút thơm ngan ngát riêng mình” (Nguyện). Dâng ai đây? Chắc chắn là dâng bạn đọc, dâng đời rồi. Rộng quá. Hẹp hơn là dâng quê hương, dâng mẹ, dâng tuổi thơ, dâng

Nói mơ về xa… xưa… là nói tinh thần chung của cả tập thơ. Thực tế thì vẫn có những bài thơ về  hiện tại, về những vấn đề của hôm nay. Chẳng hạn về trận “Lũ miền Trung” vừa mới xảy ra :

Gói mì nhai sống cầm hơi
Tím da con trẻ giữa trời lạnh mưa
Gió Lào từng cháy nắng trưa
Lũ chồng lên lũ nước vừa quét qua
(Lũ miền Trung)

Về hình ảnh người mẹ già gọi con lúc lâm chung mà con từ lâu đã thành liệt sĩ Trường Sơn trong bài thơ mở đầu tập:

Mẹ già mái tóc hoa râm
Lâm chung nghẹn tắc thì thầm gọi con
Trường Sơn thăm thẳm núi non
Có nghe thấu tiếng gọi con nát lòng
(Gọi con)

Tác giả cảm thông với liền chị quan họ “vớt chút duyên chờ/ Tuổi xuân rơi ngoài trận tuyến” trong câu hát tha thiết “Người ơi…đừng về”:

Xuân đang thì nhiều “kẻ đón người đưa”
Em nhạt duyên rồi
Khát thèm sao bi bô tiếng trẻ
Quan họ ơi xin đừng về người nhé!
Xuân lỡ thì, môi nhạt thếch miếng trầu xanh
(Men câu quan họ)

Và không phải là  đêm ngày xưa, chỉ là đêm ngày nay, đêm hiện tại ở Bắc Hà trong buổi chợ đêm có sáo Mông, có em múa sinh tiền trong ánh đuốc:

Chợ đêm rực đuốc Bắc Hà
Tay em dệt lửa thắp hoa cháy hồng
Rượu ngô ủ đậm men nồng
Uống chưa nửa bát mà lòng đê mê
(Đêm Bắc Hà)

Trong hầu hết các bài thơ khác  “ngày nay, phút giây này, ánh mắt kia, hò hẹn nọ” chỉ là cái cớ, chỉ là thời điểm khơi gợi cảm xúc, khơi gợi ký ức. Nhiều khi, tác giả trực tiếp viết về thời xa, thời xưa ấy như các bài thơ Bến xưa, Cảm quê, Tuổi thơ, Trả lại cho nhau, Đêm công trường, Đêm trở gió, Vu lan nhớ mẹ, Kỷ niệm,…

Trong ký ức thời xa ấy, ám ảnh của một thời nghèo khó trong bữa cơm đạm bạc:

Củ giong riềng cõng hạt gạo tháng ba
Mấy con tép bơi trong canh lõng bõng
Tan học muộn, mẹ thắt lòng trông ngóng
Hao gầy nghẹn tiếng nấc mùa đông
(Tuổi thơ)

Hoặc kỷ niệm về một mối tình chẳng nên duyên đau quặn lòng người về bến cũ:

Chiều năm ấy em theo chồng sang ngang
Vẫn mùi cơn gió đi hoang
Bao năm còn thổi lỡ làng vào anh
(Bến xưa)

“Ngày xưa òa sống dậy” (Nước trôi) là hình ảnh người đọc gặp trong những bài thơ của người rời quê “lập nghiệp xứ người” nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ kỷ niệm ấu thơ. Cũng đúng thôi, vì quê hương luôn là điểm tựa, là nguồn dưỡng chất nuôi tâm hồn mỗi con người. Đỗ Chiến Thắng là người đa cảm, đa tình sao lại không da diết nhớ? Làm thơ cũng là để dâng quê hương. Chàng trai giàu mơ mộng ấy từng mong muốn: 

Mượn em sợi tóc buộc thơ
Níu thầm hương vị giấc mơ quê nhà
(Níu)

Có cảm giác như càng làm thơ thì tâm hồn lại càng trẻ trung, nhất là  mảng thơ liên quan đến tình yêu. Có cả một bài thơ “Bắt đền”, trong đó người đang yêu “ăn vạ” từ  “tiếng lá nhẹ rơi” đến “áng mây trời lãng du”, từ “ánh mắt mùa thu” đến “ heo may quyện tiếng chim gù” rồi “tình khúc dịu êm”. Bất cứ điều gì khơi gợi “vần thơ đa tình” đều bị ăn vạ, bắt đền. Bắt đền “cơn gió làm anh thẫn thờ” (Níu). Rồi bắt đền cả ông trời kia nữa: 

Bắt đền trời rắc chữ yêu
Gối chăn tủi dỗi, lệch xiêu hẹn hò
(Giận hờn) 

Cái người đang hồi xuân tình cảm ấy lúc khắc khoải (Vơi đầy khắc khoải tiếng cười mùa Xuân) -  Vệt chiều); khi hờn giận (Đêm cô đơn trằn trọc nỗi giận buồn - Trả lại cho nhau); khi cảm động say sưa (Run lòng chợt gặp vần thơ/ Pha vào men rượu lơ mơ cả chiều -  Vu vơ); khi cô đơn mất ngủ (Vần thơ hay cựa mình đêm mất ngủ/ Gối lên nỗi cô đơn/ Rơi vỡ tiếng gà - Ẩn dụ); khi lắng nghe niềm đau cơn gió  với  băn khoăn ai đó (Nghe chăng tiếng nấc thở dài/ Đau cơn gió lạnh thổi ngoài hồn nhau - Nấc); khi giật mình tỉnh giấc tan mộng đẹp (Giật mình tỉnh giấc mơ đêm/ Lăn qua gò má lệ mềm rơi nghiêng – Em về trong giấc mơ tôi). Thi nhân đa tình ấy còn trò chuyện với cả nàng xuân bằng giọng của một tình nhân:

Xuân ơi sao chả sang sông
Chỉ xanh lộc biếc gió đông ỡm ờ
Phải vì mưa bụi giăng mờ
Hay vì thuyền cứ lững lờ trôi xuôi
Mưa bay xuân giấu nụ cười
Phải vì dành để đợi người tri âm
Giọt xuân rơi giữa lặng thầm
Dùng dằng khao khát kìa xuân… ráng chiều
(Xuân chờ)

Đọc “Tháng Giêng” của tác giả, chợt nhớ câu ca dao “Xềnh xoàng đánh bạn xềnh xoàng/ Trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già” xa xưa. Hay gần đây của thi sĩ Phạm Công Trứ “Trên đò các cụ tụng kinh/ Chúng mình còn trẻ, chúng mình tụng nhau”. Tình yêu không tuổi là điều mà các nhà khoa học đã khẳng định. Nếu cần một minh chứng, thì đây, khổ thơ yêu này của tác giả:

Anh giơ tay kéo lệch dải phù vân
Lộ nét xuân thì khuôn trăng em đầy đặn
Chúm chím môi hồng, má đồng tiền tươi tắn
Vịn tháng giêng dậy thì, ta hái một nhành xuân
(Tháng Giêng)

Thơ giăng mắc hai đầu thương nhớ. Người  viết  bộc  bạch  như  vậy  trong bài  “Câu thơ viết dở”. Ký ức tuổi thơ nhọc nhằn, ấn tượng lưu lạc mưu sinh xứ người, hình ảnh dòng sông gầy chảy xiết ước mơ nơi quê hương, hình ảnh người mẹ đảm đang tảo tần, hình ảnh người bạn tình “Ngực con gái tròn căng cười khúc khích” có ánh mắt “vừa dao cau”, những nỗi buồn vui, những trái ngang, những lỡ làng,… luôn ám ảnh người viết. Có lẽ thơ anh chưa  thể dừng lại ở đây.

Tập “Vớt chiều”  ghi nhận cố gắng vượt chính mình của tác giả Đỗ Chiến Thắng. Cũng còn có bài cảm xúc chưa thật dồn nén. Lục bát của tác giả khá chỉn chu, vần nhịp mạch lạc. Một số câu ấn tượng. Tuy vậy, tác giả vẫn cần phải công phu hơn nữa trong việc chọn lọc từ ngữ, tránh sự trùng lặp, từ ngữ trùng lặp dễ nghĩ tới mòn sờn. Có một số bài ngắn, tứ thơ vững, lời thơ chắt lọc, đạt đến độ sâu của những cây bút chuyên nghiệp.  

Vũ Nho