Lễ Bích Câu đạo quán
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:42, 04/10/2017
Bích Câu đạo quán - một trong những trung tâm truyền tư tưởng Đạo giáo tín ngưỡng Việt Nam. Đây là nơi “Thần kinh tại hội”, thường diễn ra “cầm kỳ thi họa” của các kẻ sĩ ở kinh đô Thăng Long và các tao nhân mặc khách trong cả nước. Các nho sinh Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến tụ hội vãn cảnh, xin thơ, vịnh thơ và xin bài thuốc.
Cổng tam quan của Bích câu đạo quán
Bích Câu đạo quán được xây dựng trên gò Kim Quy nơi cố trạch của Tú Uyên, nằm bên trái Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào niên hiệu Hồng Đức Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Đây còn là nơi Tú Uyên gặp tiên nữ Giáng Kiều rồi kết duyên và là nơi tu hành đắc đạo của đức tiên ông Trần Tú Uyên.Dân làng An Trạch thuộc làng Bích Câu, huyện Quảng Đức, Phụng Thiên, Tây Nam thành Thăng Long đã xây dựng nên quán Bích Câu nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Bảy dòng họ đã tới đây quần cư khai khẩn: Nguyễn, Lê, Trần, Cao, Hoàng, Vũ, Bùi vào nửa thế kỷ XIV.
Truyền thuyết ”Bích Câu kỳ ngộ” trong “Truyền kỳ tân phả” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII, truyện Nôm văn vần của Vũ Quốc Trân được lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Sau khi đắc đạo, đức tiên ông thường giáng phúc cho nhân dân quanh vùng.
Vua Lê Hiển Tông (1458 – 1504) được tiên ông ứng mộng giúp bình quân Chiêm Thành. Thắng lớn, vua đích thân về Bích Câu lễ tạ. Để ghi nhớ công lao, nhà vua đã phong cho Tú Uyên danh hiệu “An quốc tự chân nhân” đặt tên cho là Bích Câu đạo quán, nơi thờ đạo Lão và cho xây chùa An Quốc.
Dân gian truyền câu ca:
Giúp cho đất nước thanh bình
Giúp cho sức mạnh dân làng an cư
Quan triều chính cùng vua hoan hỉ
Sắm lễ ra miếu để tạ thần
Chiếu phong “An quốc chân nhân”
Muôn đời hương khói đượm nhuần câu ca.
Xưa Bích Câu đạo quán có tổng diện tích là 4.850m2. Hội Bích Câu có trò thi hoa thủy tiên, chọi gà, cờ người, thổi xôi, thi chuối đẹp, hát ca trù; tế lễ thường niên 2 lần một năm. Linh đình nhất là đêm 11 rạng ngày 12 tháng Tám việc làng và ngay 4 tháng Hai kỷ niệm ngày sinh của đức tiên ông. Ở ngoài đình là tế chung của làng, còn các dòng họ lớn cũng đều có tế lễ tại nhà của ông trưởng họ.
Lễ sụ là xôi, oản, quả. Đặc biệt có tổ chức trang trong lễ phụng bút (đảo bút) 3 ngày liền trong các kỳ hội để xin thơ.
Muốn thực hiện được lễ phụng này cần có 3 người, một người cầm bút hạc (giống mỏ con hạc) linh ứng giáng bút (quan trọng nhất), một người ghi chép. Vì thế, người biết chữ Nho sẽ được dự tuyển và họ phải chay tịnh, tắm rửa sạch sẽ từ hôm trước – trang phục quần áo the, ngoài khoác áo phung nâu, đầu đội khăn, ngồi trên sập trước bàn thờ ngài. Đầu tiên thắp 3 nén hương rồi lấy khăn đỏ phủ mặt. Nếu ngài linh ứng thì sẽ tung khăn và viết trên một mâm đồng rải cát, cát phải được rửa sạch, sàng lọc nhiều lần, phơi khô chỉ để chuyên dụng trong lễ này. Sau này ngồi quen, không cần khăn phủ diện, mâm cát mà viết bằng chữ bóng. Viết đến đâu người ngồi bên cạnh đọc đến đó. Nếu viết không đúng chữ, người chuyên đọc sẽ gõ bút vài cái để nhắc phải viết lại. Nếu 2, 3 lần không được (ngài không ứng) thì người đó sẽ phải ra, để thay người khác vào cho đến lúc đạt mới được. Nhiều khi phải 6, 7 lần mới được một người. Khi ngài ứng, vai và tay phải thấy nặng và tay phải bắt đầu viết một cách vô thức. Nhiều khi ngài nhập có thể ngồi cả đêm để viết chữ. Rồi ngài cho chữ bằng thơ (nếu có người xuất khẩu thành chương, cũng chưa có thể sáng tác thơ nhanh và nhiều như vậy được).
Vào khoảng năm 1956 – 1957, Bộ Văn hóa Ba Lan sang Việt Nam, được biết lễ phụng bút này đã đến thăm, quay phim (đen trắng) và chụp ảnh (còn lưu ở Bích Câu). Người Ba Lan đã xin và được tặng (nay vẫn còn giữ được bài thơ). Hồi đó người ngồi đảo bút là cụ Cả Tị (tức Nguyễn Khắc Chung) và cụ Cả Chi (Cao Chí Chi). Có người xin đảo bút về để biết lịch sử của ngài. Ngài nhập và nói suốt đêm, chép được hơn 100 trang (vở học trò) sao làm 2 quyển, một quyển cụ Cả Tị giữ, còn một quyển gửi biếu bảo tàng.
Dân làng An Trạch còn lưu truyền mãi về tài năng đức độ của ngài. Nhiều người bị bệnh nan y, thầy thuốc đã bó tay, nhưng khi đến xin ngài, nếu như mệnh chưa hết, ngài sẽ có bài thuốc để cứu toàn bằng lá cây. Đặc biệt nếu ai nghèo là hiền đức thì những bài thuốc đó dễ kiếm, không phải mua (như bã trầu). Sau khi người bệnh khỏi, đến lễ tạ và khấn thì mọi người mới biết.
Tiếc rằng đến nay, lễ phụng bút gần như đã mất, chỉ còn lại trong trí nhớ của con cháu những người được người giáng bút.