Bình minh niềm tin trong "thung lũng Cùi"

Tin tức - Ngày đăng : 15:32, 06/10/2017

Suốt nhiều năm qua, hơn 30 con người mang căn bệnh phong (cùi) tại xã Ia O, huyện Ia Grai cùng nương tựa vào nhau trước sự kỳ thị, dè bĩu của cộng đồng. Họ tách riêng khỏi cộng đồng thành lập plei Tar (còn được gọi với nhiều tên khác là làng Phong hay thung lũng Cùi) với những căn nhà xập xệ giữa núi rừng vùng biên giới…
Bình minh niềm tin trong thung lũng Cùi

Cụ Rơh Mar H’Top kể với PV Người Hà Nội về niềm tin tình yêu thương được vun đắp tại làng Tar.


Nằm lọt thỏm giữa cánh rừng vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, mỗi người dân làng Tar, xã Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) từ nhiều năm qua bị gia đình, cộng đồng hắt hủi vì mắc bệnh phong (cùi) cùng tụ tập nương tựa lẫn nhau. Với họ - những con người mang bệnh và trước sự kỳ thị của người khác, họ không còn phân biệt cộng đồng J’rai hay Bahnar nữa. Tất cả đều nương tựa, đùm bọc nhau, chia sẻ từng miếng ăn, tấm áo không rách mà mình có được.

Giai thoại thành lập làng Tar bắt đầu từ cụ Rơh Lan Thênh (đồng bào J’rai) bị mắc bệnh phong từ nhỏ. Do nhận thức của bà con buôn làng còn hạn chế, nhiều người cho rằng ông Rơh Lan Thênh có lỗi với Yàng (Trời) nên bị phạt, bị ma quỷ theo ám…  nên gia đình, cộng đồng hắt hủi, không ai muốn đến gần.

Bình minh niềm tin trong thung lũng Cùi


Nhiều đứa trẻ sinh ra tại “thung lũng Cùi” hoàn toàn khoẻ mạnh, được đi học nhưng hoàn cảnh  gia đình còn khó khăn rất cần sự giúp đỡ, san sẻ của mọi người.

Không thể chịu đựng được sự kỳ thị của cộng đồng, Rơh Lan Thênh tự tách khỏi buôn làng và ra bìa rừng dựng căn nhà gỗ nhỏ để ở. Cũng từ đó, những con người không may mắn bị bệnh phong cũng tìm đến gần chỗ ở của Rơh Lan Thênh tìm thương cảm, đồng địu và nương tựa lẫn nhau…

Từng con người, từng mảnh đời tụ tập lại cùng nhau và tên plei Tar hay làng phong (ngôi làng của những người bị bệnh phong - NV); “thung lũng Cùi” cũng bắt nguồn từ đó.

Theo Trưởng thôn Rơh Châm Pênh, hầu hết dân làng Tar đều bị bệnh phong, cụt hết ngón tay, chân… nên rất khó khăn khi đi lại, làm việc nên sống dựa hẳn vào hỗ trợ của Nhà nước và những tấm lòng thiện nguyện của người dân. Người có gạo hỗ trợ gạo, có dầu ăn, quần áo hay bất kỳ thứ gì có thể sử dụng được đều rất quý đối với dân làng Tar.

Mặc dù đã hơn 60 mùa rẫy (tuổi) qua đi nhưng cụ Rơh Mar H’Top vẫn ám ảnh nhớ về tháng ngày bị cộng đồng xua đuổi, kỳ thị khi mắc căn bệnh quái ác. Rồi khi Rơh Mar H’Top tìm đến làng Tar, cụ được những người cùng bệnh như vậy giúp đỡ, san sẻ, chăm sóc.

Cụ Rơh Mar H’Top còn khoe với chúng tôi về những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ngay trong làng Tar, làng phong hay còn gọi là “thung lũng Cùi” nhưng khoẻ mạnh, được đi học để biết được cái chữ.

Tình người đã thắp lên niềm tin của những mảnh đời bất hạng vì bệnh phong và họ cũng gắn kết cùng nhau bằng yêu thương.

Thanh Luận – Mộng Thường