Viwaseen đem con bỏ chợ!
Tin tức - Ngày đăng : 00:28, 08/10/2017
Cuộc sống như địa ngục
Gửi đơn và gọi điện thoại cầu cứu đến Báo, chị Lê Thị Dung (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cho biết tháng 4-2016, chị được Công ty Viwaseen đưa sang giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Theo hợp đồng đã ký với công ty, thời gian làm việc là 2 năm, hưởng lương 1.500 SR/tháng (tương đương 400 USD/tháng), trả lương từ ngày 5-15 hằng tháng. Cũng theo hợp đồng, thời gian làm việc không quá 12 giờ/ngày, thời gian nghỉ ngơi không ít hơn 9 giờ liên tục/ngày. Trường hợp ốm đau sẽ được chủ trả tiền khám chữa bệnh theo quy định của luật pháp nước sở tại…
Chị Lê Thị Dung chụp cùng con trai trước khi đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Saudi. (Ảnh do gia đình chị Dung cung cấp)
Tuy nhiên, khi sang đến nơi, chị Dung phải phục vụ cho gia đình 6 người, hằng ngày phải làm việc từ 5 giờ hôm trước đến 1-2 giờ hôm sau. "Có những ngày quá nhiều việc, tôi làm việc này chưa xong thì chủ sai làm việc khác, làm không kịp thì bị họ chửi mắng, túm cổ áo, xô đẩy hoặc đánh đập. Có lần tôi bị đánh bầm tím hết người, sợ tôi chụp lại vết thương nên họ tịch thu điện thoại của tôi gần 10 ngày" - chị Dung kể.
Làm việc vất vả nhưng hằng ngày chị chỉ được ăn bánh mì thừa mua từ nhiều ngày trước đã bị mốc hoặc hư. Khoảng 4-5 ngày, chị mới được chủ cho ăn cơm một lần nhưng đa phần phải lén đổ bỏ bởi cơm đã bị chua và chảy nhựa, còn thức ăn thì đã bị thiu, sủi cả bọt trắng. "Có lần tôi ăn bánh mì mốc bị trúng độc đau bụng quằn quại, ói ra máu suốt 1 ngày 1 đêm. Không chịu nổi, tôi cầu xin chủ nhà đưa đi bệnh viện nhưng họ không cho và bỏ mặc. Đã vậy, hơn 4 tháng lương tiền lương của tôi cũng chưa được chủ nhà thanh toán" - chị Dung nghẹn ngào.
Kêu cứu trong vô vọng
Cuối tháng 7-2017, trong lần bị đánh nặng nhất, chị đã gọi điện thoại cho một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam và cho ông Đoàn Kiến Trung, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, để cầu cứu. Phía Đại sứ quán nói sẽ báo về công ty để cử đại diện đến kiểm tra nhưng không thấy, còn ông Trung trả lời phải nhận được đơn mới giải quyết. Sau đó, gia đình chị đã gửi đơn kêu cứu đến Cục Quản lý lao động ngoài nước nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Lo lắng cho số phận của người thân, gia đình chị Dung đã nhiều lần gửi đơn, đến trực tiếp trụ sở công ty nhờ hỗ trợ nhưng không thu được kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Đức Bình, giám đốc công ty, thừa nhận chuyện chị Dung đang bị chủ nhà nợ 4 tháng lương, song cho rằng việc chị bị chủ đánh đập là không có cơ sở vì không có bằng chứng. "Chúng tôi đã xem camera và không thấy cảnh NLĐ bị đánh. Chúng tôi cũng đã làm việc với NLĐ và nói với họ rằng công ty sẵn sàng thuê luật sư hỗ trợ họ để kiện chủ nhà nếu việc đánh đập có xảy ra nhưng họ từ chối" - ông Bình nói. Tuy nhiên, chị Dung khẳng định chẳng có ai ở công ty đến trao đổi với chị cả, còn việc chủ đánh chị cứ mở camera, chắc chắn có.
Theo hợp đồng đã ký kết, trường hợp không được trả lương đúng cam kết, NLĐ yêu cầu giải quyết về nước trước hạn thì không phải bồi thường và bên đưa đi phải chịu các khoản chi phí bao gồm cả tiền vé máy bay để NLĐ về nước. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi vào ngày 12-9, ông Bình cho biết nếu về nước trước hạn, chị Dung phải chịu tiền vé máy bay và trả lại cho chủ nhà 10 triệu đồng trong số 25 triệu đồng họ đã hỗ trợ chị trước khi đi do không thực hiện hết thời hạn hợp đồng đã giao kết. Ông Bình cũng khẳng định công ty đã thống nhất với chị Dung cùng gia đình chị về các khoản chi phí trên và đang làm thủ tục để chị Dung về nước trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 12-9). Song, cả gia đình và chị Dung đều bất ngờ trước thông tin này và hiện chị Dung vẫn còn ở Ả Rập Saudi.
Ngày 18-9, Báo đã chuyển thư khiếu nại của chị Dung cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và đề nghị xác minh, làm rõ để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Tuy nhiên, đến hôm nay cục vẫn chưa có phản hồi.