Lão nghệ sĩ "chơi trội" chấp nhận lao lực mới có tác phẩm để đời
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:53, 09/10/2017
1. Phạm Văn Hạng là người phiêu lưu có mục đích, dứt khoát, quyết đoán mà nhân hậu, vượt qua bao khó khăn để được làm những gì mình thích. Từ những năm 1970 thế kỷ trước, tác phẩm mỹ thuật “Chứng tích” của ông (do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt tên) đã gây nên cơn chấn động trong dư luận khi nổi lên trong bức tranh là những khúc ruột, mảnh gan, máu của nạn nhân chiến tranh. Đến tận bây giờ tác phẩm nào của ông từ tranh đến tác phẩm điêu khắc luôn hướng tới sự khao khát ngưỡng vọng và giữ gìn hòa bình, tiêu biểu như: “Người mẹ dũng sĩ; Đài tưởng niệm ở Đà Nẵng; Đài tưởng niệm ở Hà Nội...”; hay các vườn tượng như Vườn tượng Đà Lạt, Đà Nẵng, TP.HCM... Chính những vườn tượng đó đã thể hiện tư tưởng của ông, ví như Vườn tượng Đà Lạt chủ yếu là hình ảnh chim bồ câu, trẻ em, những bầu vú mẹ... Giờ trong ông vẫn luôn khát khao một ngày nào đó đất nước sẽ có một bức tượng mang tên “Hòa bình”.
Ông không thuộc thế hệ các bậc thầy hội họa hiện đại xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng ông là người chịu lao lực vì nghệ thuật trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đói nghèo để có những tác phẩm điêu khắc đương đại bằng máu, phản ảnh thân phận con người, nói lên tiếng nói của lương tri, của nhân loại khát khao công lý và hòa bình. Chính triển lãm có tên “Dấu tích chiến tranh” đã làm nên tên tuổi Phạm Văn Hạng ở TP.HCM. Sau năm 1975, hội họa Việt Nam đã có thay đổi lớn về tư tưởng sáng tác, Phạm Văn Hạng một lần nữa khẳng định tài năng của mình, liên tục vào Nam ra Bắc suốt 30 năm, tạc hàng trăm pho tượng, tượng đài, biểu tượng mang phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa, giàu tính nhân văn và đậm chất nghệ thuật.
2. Phạm Văn Hạng cũng là người thổi hồn vào đất và làm nên vườn tượng đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. Để có được vườn tượng này, tức là để cầm tay vào nghệ thuật, ông đã phải đổ những giọt lệ chân thành. Vườn tượng được khai trương vào ngày đầu tiên của năm 2005 khiến nhiều người ngạc nhiên, rất đông người đến thăm. Tại đây không có cờ phướn, không băng khánh thành, không lời phát biểu hay tuyên bố, kể cả tác giả. Chỉ có rượu vang, hoa hồng và cả một vườn tượng ẩn nấp dưới tán thông.
Những tác phẩm điêu khắc của ông rải ra nơi mảnh rừng thông. Có tượng cao vút, có tượng ngợp tầm mắt, có tượng vừa đủ một vòng tay và thực sự đa dạng. Đó là hình ảnh một cô gái vừa mạnh mẽ, vừa kiêu sa nhìn xa xăm vào chốn liêu trai, vai khoác chiếc khăn choàng đặc trưng của cao nguyên giá lạnh. Một thiếu phụ nằm nựng con trẻ thiên thần giữa trời cao đất rộng, phơi lộ màu sinh sôi nơi bầu sữa nhân từ. Một thiếu nữ nét duyên Việt xưa trong tà áo dài lướt qua dưới ngàn thông hoà quyện giữa mù sương...
Bên trong căn biệt thự u tịch là hình ảnh những văn nhân hào hoa, nhà văn hóa tài danh của đất nước như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, nhà văn Nguyễn Tuân, danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, nhà văn hóa Đào Duy Anh, Giáo sư Trần Văn Khê, Cao Xuân Hạo, bác sĩ Alexandre Emilé Yohn Yersin… Tất cả những tác phẩm đều thể hiện một phong cách rất riêng và được tác giả dồn tâm huyết mà có.
3. Phạm Văn Hạng phiêu lưu đến nỗi, đã bỏ ra 5 năm gò chữ trên đồng, tạo ra 4 tập thơ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Trung Quốc với tổng trọng lượng khoảng 250kg. Ông sở hữu bộ râu và mái tóc trắng cước, thường đội chiếc mũ rộng vành, áo cánh dơi tự may, quần Jeans bạc màu, tác giả tập thơ bằng đồng nặng nhất Việt Nam này trông có vẻ... cổ.
Từ năm 1970 ông đã nung nấu ý định thực hiện tập thơ bằng đồng này, với mong muốn lưu lại 29 bài thơ ngắn của mình. Mỗi tập thơ có khổ 50x65cm, dày 27 trang. Là người sở hữu kho sản phẩm mỹ thuật đáng nể nhưng điêu khắc gia này chưa từng kinh qua trường lớp chuyên môn. Ông chỉ suy nghĩ, lao động, nhìn ngắm, đi thư viện. Có thời, gia đình Phạm Văn Hạng khốn khó đến nỗi ông phải lang thang đường phố bán xôi lạp xưởng kiếm sống, nhưng con người vốn nặng lòng với việc sáng tạo cái đẹp không khi nào có ý định từ bỏ đam mê của mình. Đam mê sáng tạo của kỷ lục gia này bất chấp thời gian. Ông cho rằng, mình sống là sáng tạo và phải sáng tạo. Bởi chỉ có sáng tạo và cống hiến cho niềm đam mê, ông mới thực sự thấy vui và thấy thanh thản, bình yên.
Tháng 9-2007, Phạm Văn Hạng cho ra mắt tập thơ bằng đồng, kích thước 50x65cm, nặng đến 250kg. Đây là tác phẩm thơ đầu tay, có tựa đề “Ba mươi năm tập tễnh làm thơ”, gồm 29 bài, được gò nổi với 4 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Trung, đạt 3 kỷ lục: Tập thơ nặng ký nhất; Tập thơ có số bản ít nhất và Tập thơ duy nhất được khắc gò trên đồng. Chỉ độc bản. Các bài thơ đều ngắn, không có tiêu đề, giống như haiku của Nhật Bản.
Bài dài nhất 28 chữ, bài ngắn nhất chỉ có 5 chữ. Ngắn nhưng lại đầy ma lực về ý, hàm súc, thâm trầm, gợi trường liên tưởng rộng. Độ vang cao. Phóng chiếu ra nhiều chiều kích, nhiều năng lượng. Thơ ít chữ kiểu này giống như các bài kệ của các thiền sư nổi tiếng phương Đông. Tác phẩm này đã được triển lãm tại Hà Nội, TP.HCM. Có người ngỏ ý muốn mua, song ông không bán, sẽ giữ và trao lại cho mai sau.