Cởi trói cho taxi truyền thống để được giống Uber - Grab
Tin tức - Ngày đăng : 12:16, 12/10/2017
Taxi phải thay đổi để tồn tại. Nhưng Uber, Grab đang chuyển dần thành mô hình doanh nghiệp vận tải trên thực tế, chứ không phải tận dụng xe nhàn rỗi. Trong khi đó, tài xế không có bảo hiểm xã hội, thuế Nhà nước thu được từ hai "ông lớn" này cũng chưa cụ thể.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính chiều 11-10, trước câu hỏi của báo chí về quản lý thuế cũng như doanh thu và tiền thuế mà Uber và Grab đã nộp, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết "rất tiếc" vì... không mang tài liệu.
Còn về việc tại sao lại áp dụng thuế khoán đối với Uber và Grab, ông Trí cho rằng Uber và Grab không đáp ứng được điều kiện tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ cũng như nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
Trả lời câu hỏi của PV về kiểm soát doanh thu của hai doanh nghiệp này, ông Trí cho rằng: "Đây là việc đặt ra cho Bộ Tài chính, cho ngành thuế. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở xác thực chính xác mới có thể áp dụng được quản lý thuế theo phương pháp khác".
Nhiều chuyên gia kinh tế hoan nghênh Grab, Uber, nhưng cho rằng cần điều chỉnh chính sách để tránh taxi công nghệ lợi dụng kẽ hở, bỏ qua quyền lợi người lao động và né thuế.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng có câu chuyện cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, trong đó có nguyên nhân là chuyện chính sách quản lý chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
"Thời gian qua, có lúc cơ quan thuế còn tranh luận Uber là công ty công nghệ hay vận tải. Đã có văn bản xác định Uber là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, nhưng sau đó bị phản ứng đã phải thu hồi và ban hành hướng dẫn khác. Như vậy rõ ràng chính ngành thuế còn lúng túng", ông Bảo nói.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nếu taxi "kêu" về việc bị bất công, cơ quan quản lý phải nghiên cứu, nếu thấy "kêu" đúng thì cần giảm bớt các ràng buộc cho taxi.
Về hình thức đánh thuế giữa hai loại hình taxi, ông Xoa cho rằng nếu cơ quan thuế nói điều tiết thuế ở hai loại hình taxi đã cân bằng, vậy cần kiểm tra taxi công nghệ kê khai doanh thu đã đủ chưa.
Một chuyên gia về thuế cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định Uber phải lưu giữ các biên lai, cước phí điện tử theo đúng Luật Kế toán...
Nếu đặt vấn đề sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động giữa taxi với Uber - Grab, tôi đề xuất nếu các hãng taxi đã sử dụng phần mềm để kết nối với hành khách, có thể bỏ quy định taxi phải có bộ đàm. Bên cạnh đó, nên bỏ quy định trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền, định kỳ phải kiểm định hoặc khi thay đổi giá cước phải đi cài đặt lại; không cần yêu cầu taxi phải đăng ký giá vì giá cước đã được thông báo cho hành khách trước khi họ chọn sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, hiện các hãng Uber, Grab đã linh hoạt trong việc tính giá cước giờ cao điểm mà không chịu sự kiểm soát.
Chinh vì vậy, việc bắt buộc taxi muốn điều chỉnh giá cước phải trình các cơ quan thẩm quyền xem xét là không cần thiết.
Hơn nữa, giá xăng dầu thay đổi thường xuyên, nếu áp dụng quy định về kê khai giá, các hãng taxi thường khó điều chỉnh kịp thời.
Đặc biệt, sau khi được chấp nhận điều chỉnh giá cước, các hãng taxi phải đưa hàng ngàn xe đi kiểm định đồng hồ tính cước, lại tốn thêm chi phí, bất lợi hơn taxi công nghệ.
Vì vậy, ông Việt đề nghị các cơ quan chức năng chỉ nên áp đặt giá trần giá cước taxi để các hãng không tùy tiện đẩy giá cước lên không đúng thực tế. Khi nào giá cước vượt trần, hãng taxi mới kê khai lại.