RMIT trao học bổng cho những “bông hoa” tri thức
Tin tức - Ngày đăng : 10:52, 23/10/2017
Suất học bổng trị giá hơn 700 triệu đồng sẽ được trao cho cô Lê Nguyễn Quỳnh Hương hiện là giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để làm luận án Tiến sĩ tại RMIT Việt Nam trong vòng ba năm. Trường mong muốn hỗ trợ cô Hương đạt mục tiêu trên con đường học vấn, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu đến những người làm công tác giáo dục và nghiên cứu về lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Từ đó, có thể giúp Việt Nam lớn mạnh hơn, giúp những người làm trong ngành hiểu sâu hơn về hoạt động của các ngân hàng đầu tư, từ khâu quản lý, nghiên cứu thị trường, tư vấn chiến lược, đến quản lý rủi ro, quản lý tài chính, tư vấn pháp luật, cũng như các yếu tố liên quan đến kỹ thuật và vận hành.
Nhận học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ tại RMIT Việt Nam là cơ hội quý giá, giúp nữ nghiên cứu sinh vừa hòa mình vào cộng đồng nghiên cứu toàn cầu, vừa nâng cao mục tiêu học tập và nghiên cứu, đồng thời hoàn thành mốc quan trọng trong sự nghiệp học hành và thăng tiến của bản thân.
Cô Lê Nguyễn Quỳnh Hương cho biết suất học bổng có thể giúp cô theo đuổi ước mơ học vấn mà vẫn có thể cân bằng giữa cuộc sống và sự nghiệp.
Cô chia sẻ: “Học bổng giúp tôi có thể hoàn thành luận văn nghiên cứu tại một trường đại học theo chuẩn quốc tế mà vẫn đảm bảo nguồn tài chính và có thời gian dành cho gia đình. Ngoài ra, làm luận văn nghiên cứu ở một trường đại học của Úc ngay tại Việt Nam giúp tôi có thể đóng góp vào cộng đồng nghiên cứu của đất nước, từ đó có thể giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam”.
Trước đó, nhân dịp Quốc tế Phụ nữ vào đầu năm nay, RMIT Việt Nam cũng đã trao học bổng Tiến sĩ toàn phần cho cô Võ Ngọc Thảo Nguyên, giảng viên ngành Kế toán tại Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương).
Hơn 1,1 tỉ đồng hỗ trợ nữ sinh ngành công nghệ
Chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng công nghệ S.M.A.C – SSocial: mạng xã hội, Mobile - thiết bị di động, Analytics - phân tích dữ liệu và Cloud - điện toán đám mây. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xây dựng những chiến lược tầm vĩ mô như xây dựng công dân điện tử, thành phố thông minh, quốc gia thông minh, v.v. Thuật ngữ ‘Cách mạng công nghiệp 4.0’ được đề cập nhiều trong những năm gần đây cho thấy nền công nghiệp sản xuất tự động sẽ dần thay thế cho lao động chân tay.
Trước làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, cơ hội đứng vào hàng ngũ lao động tay nghề cao hay trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực mà lao động nữ còn thưa thớt như lĩnh vực này ngày càng rộng mở. Tại Việt Nam, chuyện phụ nữ giữ vai trò thuyền trưởng của các tập đoàn công nghệ đang trở nên khá phổ biến, và Tổng giám đốc Cisco Việt Nam bà Lương Thị Lệ Thủy là một ví dụ. Tại tập đoàn công nghệ FPT, trong hơn 28 ngàn nhân viên trên toàn cầu, có đến 40% là nữ giới.
Việc tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên nữ theo học các ngành công nghệ thể hiện cam kết mạnh mẽ của RMIT Việt Nam trong hỗ trợ nhân lực Việt Nam xây dựng năng lực lãnh đạo, sẵn sàng đón đầu xu hướng thế giới. Bốn suất học bổng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng cũng sẽ được trao cho bốn nữ sinh theo học chương trình cử nhân ngành Công nghệ thông tin và ngành Kỹ sư phần mềm tại RMIT Việt Nam vào buổi lễ cuối tháng 10 tới đây.
Được biết, Học bổng Công nghệ dành cho nữ sinh (Women in Technology Scholarship) là loại học bổng được thiết kế dành riêng cho sinh viên nữ trong tổng số các hạng mục học bổng RMIT Việt Nam trao tặng năm nay.