Chiêu - điệu múa hồn nữ mang đặc trưng đồng bào Hà Lăng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:03, 23/10/2017

Người Hà Lăng ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cư trú ở phía Bắc dãy núi Chư Mô Ray, dân số hiện chưa đến 500 người. Khác với điệu xoang của nhiều dân tộc Tây Nguyên, điệu múa Chiêu của cộng đồng Hà Lăng mang hồn lúa và chỉ dành cho phụ nữ độ tuổi trung niên trở lên nên đặc trưng hoàn toàn khác biệt.
Chiêu - điệu múa hồn nữ mang đặc trưng đồng bào Hà Lăng
Điệu múa Chiêu chỉ được trình diễn khi dân buôn làng phải đốn sạch thân lúa còn trên rẫy làm phân bón cho vụ sau.

Theo già A Tươm, Chiêu là điệu múa nghi lễ, chứa đựng yếu tố tâm linh, thành kính và có từ thời xa xưa nhưng Chiêu thật chỉ dành cho nữ giới, mang hồn nữ thần lúa và chỉ được diễn ngay sau mùa thu hoạch lúa hay trong đám ma – mà người mất là nữ giới của buôn làng. Có lẽ vì thế mà trang phục của người biểu diễn điệu múa Chiêu rất khác khi mỗi người đều phải khoác thêm một tấm khăn choàng rộng tự chính tay mình dệt nên.

Chiêu - điệu múa hồn nữ mang đặc trưng đồng bào Hà Lăng
Nhiều phụ nữ cộng đồng Hà Lăng rủ nhau đi tắm suối trước khi được tuyển chọn múa Chiêu trong buôn làng.

Để được biểu diễn điệu múa Chiêu, buôn làng cộng đồng Hà Lăng nếu không có người nữ giới có uy tín bị mất đi thì chỉ còn dịp ngay sau vụ thu hoạch lúa. Bà con buôn làng phải cắt bỏ những gốc rạ còn sót trên nương rẫy, đốt hết để làm phân bón cho vụ sau lúc đó mới được nghĩ đến lễ hội và điệu múa Chiêu.

Chiêu - điệu múa hồn nữ mang đặc trưng đồng bào Hà Lăng

Một đợt diễn tập múa Chiêu của cộng đồng Hà Lăng khu vực Bắc Tây Nguyên. 

Với mỗi phụ nữ đồng bào Hà Lăng, điệu múa Chiêu không chỉ là nghi lễ nhưng số lượng phụ nữ Hà Lăng tham gia không hạn chế và phải nhớ là con số chẵn. Và trước khi được hội đồng buôn làng cho trình diễn điệu múa Chiêu, các phụ nữ tham dự phải đi tắm rửa thật sạch sẽ mới được tham dự lễ hội của buôn làng.

Thông thường, những phụ nữ trung niên đến lớn tuổi mới được trình diễn Chiêu với buôn làng nhưng phải luôn luôn là chẵn, thường chỉ từ 8 đến 16 người.

Từng cặp nghệ nhân trong vòng Chiêu đứng đối diện nhau, nhún theo nhịp chiêng xoay từ 80 độ rồi trở lại vị trí ban đầu. Vòng Chiêu di chuyển chậm quanh cây nêu hoặc nơi đặt người quá cố. Bàn chân của nghệ nhân Chiêu gần như không bước, không rời mặt đất, mà dùng gót chân và mũi bàn chân nhích "lần" theo hướng dịch chuyển.

Dù xoay về hướng nào, thì hai cánh tay của nghệ nhân cũng giữ nguyên tư thể đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau, vẻ mặt luôn kính cần, trang nghiêm và đây cũng là lời cầu xin được giúp đỡ để thóc lúa đầy kho, trâu dê đầy chuồng...

Thanh Luận