Phố Ngô Thì Nhậm, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
36 phố phường - Ngày đăng : 08:27, 30/10/2017
Phố Ngô Thì Nhậm dài 595m, rộng 10m.
Đây nguyên là địa phận các thôn Hàm Châu, Tràng Khánh, Hành Môn và Yên Nội, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, tổng này đổi là tổng Thanh Nhàn và các thôn Hàm Châu, Tràng Khánh nhập lại thành thôn Hàm Khánh; thôn Hành Môn thì nhập với một số thôn khác thành thôn Hương Viên, còn Yên Hội thì nhập với Cảm Ứng thành thôn Cảm Hội.
Thời Pháp thuộc, từ năm 1928 có tên là phố Giắc-canh (rue Jacquin). Năm 1945 đổi tên thành phố Kinh Dương Vương, năm 1949 đổi thành phố Ngô Thời Nhiệm, năm 1951 đổi lại thành tên Ngôi Thời Nhậm. Nay đoạn đầu thuộc phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, đoạn sau thuộc phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.
Ngôi Thì Nhậm (1746-1803) thường bị đọc chệch Ngô Thời Nhiệm, do tránh tên húy vua Tự Đức, là người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 29 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, ra làm quan, trong năm năm, đã được thăng tới chức Công bộ hữu thị lang. Nhưng tới 1782, ông bị phe Trịnh Khải khủng bố, phải lánh về vùng Sơn Nam (Nam Định cũ) nấn ná tới 6 năm. Khu vua Quang Trung ra Bắc, ông được bạn bè tiến cử, vua Quang Trung tin dùng, từng cho phụ tá Ngô Văn Sở giữ thành Thăng Long.
Năm 1788, quân Thanh sang xâm lược nước ta. Ngô Thì Nhậm đã bàn cùng Ngô Văn Sở rút quân về giữ đèo Tam Điệp để bảo toàn lực lượng và chờ đại quân của Quang Trung. Chủ trương này được vua Quang Trung khen ngợi.
Sau đó, ông phụ trách việc giao thiệp với triều đình Thanh. Hầu hết thư tín giấy tờ qua lại giữa hai nước đều do ông thảo ra. Năm 1793, ông đi sứ nhà Thanh báo tang vua Quang Trung.
Khi Tây Sơn đổ, ông bị Gia Long bắt giam ở Huế rồi lại giải trở ra Thăng Long (lúc này gọi là Bắc thành) đem đánh đòn ở sân nhà Văn Miếu cùng Phan Huy Ích và Nguyên Gia Phan. Đó là vào tháng 2 năm Quý Hợi (1803). Do trước đây ông khinh ghét Đặng Trần Thường nên lúc này, Trần Thường làm chức quan đứng hàng thứ hai ở Bắc thành (sau Nguyễn Văn Thành) đã sai lính đánh ông đến trọng thương. Về nhà vài hôm thì ông mất.
Ngô Thì Nhậm là một nhà văn hóa lớn của nước ta thời đó, ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn, thơ, lịch sử, triết học, ngoại giao...
Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sáng ngày 18/6/1945, tại góc phố này gặp phố Lê Văn Hưu, đội Danh dự của Thành bộ Việt Minh đã bắn chết tên Hoàng Sĩ Nhu là một tên tay sau đắc lực của phát xít Nhật hồi đó.