Vườn treo Babylon

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:54, 26/11/2021

Vườn treo Babylon
Mô hình vườn treo Babylon
Vườn treo Babylon là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, được nhắc đến trong lịch sử văn hóa Hy Lạp. Theo truyền thuyết, vườn treo Babylon là món quà đặc biệt của vua Nabuchadnezzar tặng hoàng hậu là công chúa xứ Media.

Vườn treo Babylon xây dựng ngay cạnh cung điện nhà vua, bên bờ sông Euphrate, thuộc lưu vực Lưỡng Hà, cách Baghda - thủ đô của Iraq ngày nay khoảng 50km về phía Nam. Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, khu vực Lưỡng Hà trở thành cái nôi nền văn minh cổ đại của nhân loại và luôn bị kẻ mạnh dòm ngó, thôn tính. Chính vì vậy mà lịch sử Lưỡng Hà ghi chép lại nhiều cuộc chiến tranh tương tàn. Trong những cuộc chiến tranh đẫm máu đó, vua Nabuchadnezzar (605 - 562 Tr.CN), con trai vua Naboplarshar, vị vua nổi tiếng nhất của vương quốc Chaldée đã chiến thắng. Ông xây dựng vương quốc mình trên sự bại vong của đế quốc Assyrie và chọn Babylon làm thủ đô. Đồng thời ông cũng không ngừng mở rộng lãnh thổ, vó ngựa trường chinh của ông rong ruổi khắp Seria, Palestine. Năm 597 và 586 Tr.CN, ông đã hai lần vây hãm Jerusalem diệt vương quốc Israel, bắt tất cả quý tộc, tăng lữ, nhà buôn, thợ thuyền Do Thái về quản thúc ở Babylon. Năm 567 Tr.CN, ông lại mang quân đi chinh phạt Ai Cập, cướp bóc của cải. Với khát vọng quyền lực, Nabuchadnezzar II đã ra sức xây dựng Babylon thành một thủ đô tráng lệ, nguy nga, một trung tâm văn hóa, công thương nghiệp sầm uất của vùng Tây Á thời bấy giờ. 

Vườn treo Babylon
 Bản vẽ tái tạo lại vườn Babylon
Các nhà khảo cổ học đã khai thác được thành có chu vi 16 km, tường thành xây bằng gạch cao 30m, dày 8,5m, có tất cả 7 cửa ra vào với nhiều tháp canh. Hoàng thành được trang trí nhiều phù điêu và tượng đài. Cửa thành phía Bắc xây gạch lưu ly màu. Trong thành có một tòa tháp gọi là tháp Babel (có nghĩa là cổng trời). Theo truyền thuyết tháp Babel chưa bao giờ được xây xong, bởi vì luôn luôn có sự xung khắc giữa trời và đất. Ngày nay, nơi dựng tháp chỉ còn là một cồn cát, sa mạc đã nhấn chìm tất cả. Giờ đây người ta chỉ biết Babel qua sự mô tả của lịch sử. 

Nổi lên giữa thành phố tráng lệ này là một công trình độc đáo do vua Nabuchadnezzar II xây dựng để tặng nàng công chúa Amitiser của xứ Mèdes, Hoàng hậu sủng ái của ông, một người rất say mê với cảnh núi non, thung lũng xanh tươi xung quanh, nhằm làm cho bà khuây khỏa nỗi nhớ quê nhà. Đó là vườn treo Babylon.

Vườn treo Babylon được xây trên một quả đồi nhỏ. Đó là một khu vườn có dạng hình vuông, gồm 4 tầng. Tầng dưới cùng có kích thước lớn nhất (246x246m), nằm trên một hệ thống cột 25x25 chiếc. Hệ thống cột này càng lên cao càng thu hẹp dần, số lượng cột ít đi. Cụ thể đến tầng hai còn 21x21 cột, tầng ba còn 17x17 cột, đến tầng trên cùng chỉ còn 13x13 cột. Kích thước cũng thu nhỏ dần. Diện tích tầng trên cùng chỉ bằng một nửa diện tích tầng cuối cùng là (123x123m). Như vậy, toàn bộ vườn treo trông giống như một chiếc tháp hình trụ vuông cụt. Đây là loại tháp giật cấp rất phổ biến ở lưu vực Lưỡng Hà. Trên mỗi tầng của tháp là một vườn phẳng, xây bằng những khối đá dài 5m, rộng 1,2m, được đặt trên các tường dày. Trên các tấm đá này, trải một tấm chì, chống thấm, ngăn cho nước không thấm xuống tầng dưới, đồng thời trên tấm chì phủ một lớp lau sậy nghiền nát trộn với nhựa đường. Trên cùng đổ một lớp đất màu mỡ để trồng các loại cây cối kể cả những cây cổ thụ. Để giữ độ ẩm cho vườn, người ta bố trí một hệ thống cống rãnh cho dòng nước từ trên cao chảy thoai thoải xuống, tưới cho toàn khu vườn.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ, ta thấy việc giải quyết vấn đề nguồn nước tưới cho vườn treo rất tốt và rất khoa học, trong đó sử dụng máy thủy lực để quay một hệ thống gầu đưa nước lên tưới cho vườn treo. Nước được lấy từ 3 giếng. Phụ trách việc tưới nước cho vườn luôn luôn xanh tươi là những nô lệ làm việc quần quật suốt ngày đêm.

Để làm đẹp lòng hoàng hậu, nhà vua đã không tiếc công sức, tiền bạc cho người đi khắp nơi tìm kiếm các loại kỳ hoa, dị thảo đem về trồng ở khu vườn này. Vườn treo Babylon đánh dấu một thời vàng son của lịch sử Lưỡng Hà, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của vương quốc Chaldée. 

Hoàng đế Nabuchadnezzar II trị vì đất nước được 44 năm thì qua đời. Sau cái chết của nhà vua, mọi thứ đồ đạc của cải, trong đó có cả vườn treo Babylon theo năm tháng cũng tàn lụi dần, cuối cùng rơi vào tay người Ba Tư và từ đó chẳng bao giờ có cơ hội để trỗi dậy được nữa.

Ngày nay, vườn treo Babylon bị vùi sâu dưới lớp bụi thời gian, và dù nó không còn để lại dấu tích gì và chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của các nhà văn, nhà thơ, các sử gia… nhưng hình bóng của nó vẫn vang vọng mãi, vẫn còn hiện hữu đâu đây, trước con mắt của du khách, giữa sa mạc nóng bỏng  của  xứ sở “nghìn lẻ một đêm” đầy huyền bí. 

Trần Mạnh Thường