Về bức tranh chân dung và tài ngoại giao của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:10, 31/10/2017
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là ông trạng dân phong. Cụ sinh năm 1528, mất năm 1613 tại quê hương Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Đỗ Tiến sĩ năm Canh Thìn 1580; cụ là một vị quan thanh liêm, tài cao vọng trọng, được vua Lê chúa Trịnh hết sức tin dùng trong nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục và ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. Đương thời và hậu thế đều đánh giá cụ là bậc hiền tài.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Trưởng BLL họ Phùng Việt Nam trao tặng bức tranh sơn mài chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tháng 10/2017.
Hai lần vâng mệnh vua đi sứ Trung Quốc, bằng tài năng trí tuệ, mà nổi trội là thơ ca của mình, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã khiến Hoàng đế và các vị đại thần triều Minh nể trọng, cho khắc in thơ phú truyền khắp nước Trung Quốc.
Quý trọng tài năng của Phùng Khắc Khoan, Hoàng đế Minh Thần Tông cho họa sĩ vẽ tặng chân dung Trạng Bùng trong lần đi sứ năm 1598. Bức tranh được vua Lê, chúa Trịnh truyền lệnh đưa về Hoằng đạo thư đường, nơi Trạng Bùng dạy học treo trang trọng. Đây là vinh dự hiếm thấy đối với một vị quan của triều đình.
Bức tranh chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một tác phẩm quý hiếm, được các họa sĩ triều Minh thể hiện trên lụa quý với chất liệu sơn dầu. Trải qua hơn 400 năm, thời gian phong hóa, bức tranh cổ đã không còn nguyên định dạng.
Với tấm lòng tôn kính tiền nhân, góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc, con cháu họ Phùng trên toàn quốc tổ chức thực hiện chuyển thể bức tranh sang chất liệu sơn mài theo tiêu bản gốc, giữ nguyên mọi đường nét, màu sắc, thần thái Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Sau 6 tháng tiến hành phục dựng, tác phẩm tranh sơn mài chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan được hoàn thành.
Trong không khí mùa thu lịch sử, Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam trân trọng trao tặng bức tranh cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhà thờ Phùng tộc Giao Thủy, Nam Định và đền thờ quan trạng nơi quê hương Phùng Xá, Thạch Thất với mong muốn tác phẩm có giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử, chính trị, ngoại giao này được đông đảo nhân dân, các vị khách trong nước và ngoài nước thưởng lãm.
Bức tranh chân dung cụ Trạng gắn chặt với sự nghiệp ngoại giao của Phùng Khắc Khoan. Các vị học giả lớn thời xưa của nước ta như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, trong các bộ sách “Kiến văn tiểu lục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, khi khảo cứu về lịch sử bang giao lâu đời của nước nhà, đã đánh giá cao sự nghiệp đối ngoại của cụ Trạng Bùng.
Theo cố Giáo sư Trần Lê Sáng, nói về đóng góp ở phương diện ngoại giao của cụ Phùng Khắc Khoan, chúng ta có thể kể đến ba lần đạt thành công, trong công tác đối ngoại của cụ; trong đó, hai lần cụ tiếp xúc với sứ giả nhà Minh, một lần tiếp xúc với triều đình Minh tại ngay kinh đô Yên Kinh.
Xin được kể về lần cụ Phùng Khắc Khoan tiếp xúc với phía nhà Minh trong hoàn cảnh khá nghiêm trọng. Đó là việc cuối tháng Giêng năm Bính Thân, tức năm 1596, triều đình phái cụ cùng hai người anh họ vua là Lê Ngạnh và Lê Hựu cùng một đoàn vài mươi cụ kỳ lão mang giấy tờ và tiền bạc lên biên giới Trấn Nam Giao để làm việc với đại diện nhà Minh về việc công nhận nhà Lê.
Theo quốc sử ghi lại, cuộc gặp gỡ giữa hai đại diện của nhà Lê với đại diện của nhà Minh lần này có ý nghĩa ngoại giao rất lớn. Về phía nhà Lê, cuộc gặp gỡ lần này là điểm mốc nối lại quan hệ với nhà Minh sau gần bảy mươi năm bị gián đoạn; về phía nhà Minh, cuộc gặp gỡ lần này, lại là việc bỏ thái độ kỳ thị, trở lại công nhận nhà Lê là đại diện chính thức trong quan hệ nhà nước. Tất nhiên, nhà Lê đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này rất chu đáo; mọi người mong đợi kết quả tốt đẹp của cuộc gặp gỡ ở biên giới lần này.
Cuộc họp ở biên giới lần này, được phía nhà Lê chuẩn bị chu đáo và đầy thiện chí, song đáng tiếc lại không thành và phía nhà Minh hủy lời hẹn trước, họ lại ra thêm điều kiện là chính vua Lê phải lên biên giới họp với đại diện của nhà Minh. Nhà Lê đã nhân nhượng, vua Lê Thế Tông đã lên tận biên giới chờ hộ khám. Nhưng phía nhà Minh lại đưa ra nhiều yêu sách khác. Mọi cố gắng đều không thành. Sau đó, cụ Phùng Khắc Khoan phải sang tận Yên Kinh để dàn xếp. Điều đó chứng tỏ rằng, triều đình rất chú trọng tài năng đối ngoại của Phùng Khắc Khoan, chọn đi sứ Yên Kinh, mặc dầu lúc bấy giờ cụ đã bảy mươi tuổi.
Chuyến đi sứ Yên Kinh của Phùng Khắc Khoan vô cùng gian khổ. Lặn lội đường xa muôn dặm, đi phải hơn một năm trời mới đến. Đoàn Sứ bộ có hai mươi ba người, trong đó có một phiên dịch. Đoàn do Công bộ Tả Thị lang Phùng Khắc Khoan làm Chánh sứ, Thái thường Tự khanh Nguyễn Nhân Thiện làm Phó sứ. Đoàn đến biên giới Lạng Sơn đã gặp khó khăn: phía nhà Minh không cho nhập cảnh, với lý do họ chỉ biết nhà Mạc, không biết nhà Lê. Trưởng đoàn Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đã thuyết phục được đối phương để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
Sau hơn mười hai tháng lặn lội vất vả, đoàn Sứ bộ đến được Yên Kinh, nhưng không được nhà Minh chính thức đón tiếp. Nhà Minh không chấp nhận nhà Lê Trung Hưng là đại biểu của nước Nam. Đoàn Sứ bộ đứng trước một tình hình hết sức nghiêm trọng, hoặc chửi mắng để nhận cái chết, hoặc chịu nhục để ra về tay không. Chúng ta cũng biết, các Sứ giả đi Sứ nhà Minh thường gặp nhiều nguy hiểm.
Đoàn Sứ bộ do cụ Phùng dẫn đầu sang Yên Kinh mới đầu không được triều Minh tiếp phải chờ đợi ở công quán. Suốt tháng trời ở công quán Ngọc Hà, cụ đã kiên nhẫn đặt quan hệ với các quan lại nhà Minh; đặc biệt là quan hệ với Trương Vị, một vị Đại Học sĩ của nhà Minh, dạy Thái tử học, rất có cảm tình với cụ. Cụ cũng đặt quan hệ với Chánh, Phó sứ đoàn Sứ bộ Triều Tiên và đoàn Sứ bộ Lưu Cầu (Nhật). Trên mặt trận ngoại giao, Phùng Khắc Khoan đã vận dụng tất cả để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. Cụ phát huy sự từng trải trong giao tiếp, vận dụng văn học, triết học vào lĩnh vực ngoại giao một cách tự nhiên. Nhà ngoại giao Phùng Khắc Khoan luôn luôn ý thức được thực lực của đất nước, phát huy được lẽ phải, sự chính đáng mà đất nước được hưởng, đồng thời, cố gắng tranh thủ mọi nhân tố ở phía đối phương; sự ủng hộ của bè bạn cùng hoàn cảnh của Sứ bộ Triều Tiên và Nhật Bản… Cuối cùng, vị sứ giả Phùng Khắc Khoan đã được chính hoàng đế Minh Thần Tông tiếp đón ân cần, được khen ngợi là bậc hiền tài, trung hậu. Tập thơ “Vạn thọ thánh tiết” của cụ được hoàng đế hạ chiếu khắc ván lưu hành. Nhà Minh chính thức công nhận nhà Lê trong quan hệ đối ngoại. Cụ đã góp phần quan trọng mở ra một thời kỳ mới của quan hệ Lê - Minh. Điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử bang giao, Hoàng đế Minh Thần Tông hạ chiếu vẽ tặng sứ thần nhà Lê bức tranh chân dung nổi tiếng còn đến ngày nay.
Thành công của chuyến đi sứ đầy gian khổ của Phùng Khắc Khoan được đánh giá cao. Triều đình cử một đoàn có nghi lễ trang nghiêm lên tận biên giới đón đoàn cụ trở về. Cụ được phong từ Công bộ Tả Thị lang lên Lại bộ Tả Thị lang, tước Mai Lĩnh hầu. Cụ được triều đình kính trọng, Thành Tổ Trịnh Tùng gọi cụ là Phùng Tiên sinh chứ không gọi tên. Nhân dân càng vô cùng quý mến công đức của cụ. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép: “Người trong nước đều gọi là Trạng nguyên, vì kính mến tài năng của cụ”. Danh hiệu Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan được lưu hành từ sau chuyến đi sứ của cụ vậy.
Bức tranh chân dung cụ Phùng Khắc Khoan được con cháu nối đời thờ cúng, thưởng lãm đến ngày nay.