Trao quà đồng bào vùng cao biên giới Mường Lát
Tin tức - Ngày đăng : 19:36, 07/11/2017
Vào một ngày cuối thu nhóm phóng viên Báo Người Hà Nội chúng tôi có dịp đi cùng đoàn thiện nguyện của nhóm Vòng Tay Yêu Thương (Thanh Hóa) đến trao quà tại xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. Đây là xã cực Tây vùng sâu biên giới của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Xuất phát lúc 10 giờ đêm tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, trải qua 250 km trong đó hơn nửa quãng đường là rừng núi quanh co, nhiều dốc đứng xoáy trôn ốc. Đoàn chúng tôi đến trung tâm của xã Pù Nhi huyện Mường Lát vào lúc trời vừa rạng sáng. Chúng tôi dừng nghỉ ăn uống, kiểm tra kỹ thuật an toàn của đoàn xe, sau đó tiếp tục hành trình từ Pù Nhi trải qua con đường đèo bê tông vừa mới được đầu tư xây dựng dài khoảng 30 km dọc theo đường biên giới, cheo leo bên sườn núi. Một bên đường là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, núi đồi hùng vĩ. Có những đoạn leo dốc thẳng đứng, đoàn xe chúng tôi phải lăn bánh từ từ khó khăn lắm mới vượt qua được những đỉnh đèo.
Đoàn thiện nguyện vượt đèo núi trên đường đến Mường Lát - Thanh Hóa
Đến khoảng 10 giờ sáng ngày 4/11/2017 đoàn chúng tôi đặt chân đến trung tâm xã Mường Chanh. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đoàn chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức trao tặng 250 phần quà cho 250 hộ nghèo có điều kiện khó khăn, bao gồm các nhu yếu phẩm như Mỳ Tôm, nước mắm, cá khô, quần, áo, khăn mặt, chăn màn… Đây là tấm lòng, tình cảm của các nhà hảo tâm và bà con nhân dân huyện Tĩnh Gia gửi đoàn chúng tôi trao tặng cho bà con xã Mường Chanh.
Rời trung tâm xã Mường Chanh, chúng tôi đến thăm bản Lách. Theo thông tin của cán bộ văn hóa xã Mường Chanh: “Đây là bản có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của xã Mường Chanh. Bản có 179 hộ, 978 khẩu, đa số là người dân tộc Khơ Mú sinh sống”. Khi vừa tới bản Lách cảnh tượng đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn xiêu vẹo san sát bên nhau, và rất nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, không giày dép, không quần áo ấm đang phải chống chọi với cái rét của những cơn gió heo may cuối thu giá lạnh vùng cao.
Rời trung tâm xã Mường Chanh, chúng tôi đến thăm bản Lách. Theo thông tin của cán bộ văn hóa xã Mường Chanh: “Đây là bản có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của xã Mường Chanh. Bản có 179 hộ, 978 khẩu, đa số là người dân tộc Khơ Mú sinh sống”. Khi vừa tới bản Lách cảnh tượng đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn xiêu vẹo san sát bên nhau, và rất nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, không giày dép, không quần áo ấm đang phải chống chọi với cái rét của những cơn gió heo may cuối thu giá lạnh vùng cao.
Một góc bản Lách xã Mường Chanh, huyện Mường Lát
Những thùng mỳ tôm, bộ quần áo, chiếc khăn, đôi dép do nhóm chúng tôi quyên góp được trở thành món quà vô cùng quý giá đối với bà con nơi đây. Một người dân địa phương cho biết: “dân cư ở bản Lách nghèo lắm, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, cái đói, cái rét theo họ quanh năm, đa số phụ nữ ở đây 14, 15 tuổi đã phải lấy chồng, sinh con rồi”. “Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới đây, thực sự tôi không thể tin vào mắt mình, tôi không bao giờ nghĩ rằng trên đất nước mình còn nhiều người còn nghèo khổ đến như vậy, nhìn thấy cảnh tượng này tôi đã không cầm được nước mắt” - bạn Nguyễn Thị Thủy, một thành viên của nhóm thiện nguyện Vòng Tay Yêu Thương cho biết.
Tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng em đã biết giúp cha mẹ làm việc nhà
Bạn Nguyễn Thị Cúc một thành viên trong nhóm Vòng Tay Yêu Thương chia sẻ: “Nhìn thấy trẻ em ở đây bị thiệt thòi, thiếu thốn đủ bề em thấy thương vô cùng. Có đến đây mới biết họ nghèo khổ, em lại suy nghĩ mình phải sống làm sao cho thật ý nghĩa. Từ bây giờ em sẽ cố gắng không chi tiêu xa xỉ lãng phí nữa để tiết kiệm tiền đóng góp một phần nhỏ bé giúp đỡ trẻ em nghèo”.
Niềm vui của các em khi nhận được quà của đoàn thiện nguyện
Tình nguyện viên chụp hình lưu niệm với trẻ em của bản
Sau khi chia tay bản Lách tạm biệt bà con xã Mường Chanh, trở lại con đường đèo vách núi cheo leo đoàn chúng tôi lên đường trở về nhà. Chuyến đi này đã đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm nhận sâu sắc. Tuy chúng tôi là những người có ngành nghề, công việc, độ tuổi khác nhau nhưng đều có chung nhiệt huyết thiện nguyện. Đây không chỉ là một chuyến đi thông thường mà còn là chuyến trải nghiệm thực tế sinh động, sâu sắc về cuộc sống của người dân ở vùng cao biên giới cực Tây Thanh Hóa.
Sau khi chia tay bản Lách tạm biệt bà con xã Mường Chanh, trở lại con đường đèo vách núi cheo leo đoàn chúng tôi lên đường trở về nhà. Chuyến đi này đã đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm nhận sâu sắc. Tuy chúng tôi là những người có ngành nghề, công việc, độ tuổi khác nhau nhưng đều có chung nhiệt huyết thiện nguyện. Đây không chỉ là một chuyến đi thông thường mà còn là chuyến trải nghiệm thực tế sinh động, sâu sắc về cuộc sống của người dân ở vùng cao biên giới cực Tây Thanh Hóa.
Chia tay Mường Lát, hẹn trở lại nơi đây vào một ngày gần nhất, trong thâm tâm mỗi người chúng tôi phải tự cố gắng sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn để có thể giúp đỡ và chia sẻ một phần nào những khó khăn vất vả của đồng bào vùng cao.