Trường THCS Đại Thành - 70 năm một chặng đường (phần 1)
Tin tức - Ngày đăng : 22:44, 11/11/2017
Một ngày đầu mùa đông năm 1947, vào thời khắc khó khăn của cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban hành chính Trung Bộ quyết định thành lập trường Trung học Đại Thành. Từ đó đến nay đã 70 năm trôi qua.
Chặng đường hơn hai phần ba thế kỷ, đã đánh dấu bước trưởng thành của một nhà trường bậc Trung học phổ thông đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Với bao thế hệ học sinh trưởng thành dưới mái trường này đã góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta tự hào và nhớ lại cách đây 70 năm, ngày 11 tháng 11 năm 1947, Ủy ban hành chính Trung Bộ ra quyết đinh cho mở 3 lớp Trung học Đại Thành, khi có quyết định thành lập thì nhà trường mới có 2 lớp đệ nhất và 1 lớp đệ nhị do giáo sư Trần Cảnh Hảo làm hiệu trưởng.
Sau ngày thành lập, trường Trung học Đại Thành ổn định địa điểm tại làng An Việt, xã Cẩm Thành. Đền Thánh Phủ và khuôn viên của đền được chọn để đặt các lớp học. Nơi đây là vùng quê nghèo có truyền thống hiếu học, giàu tình nghĩa nên đã có điều kiện để nhà trường tồn tại và phát triển trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ năm học 1948 – 1949, mỗi năm, nhà trường có 4 lớp: gồm 2 lớp đệ nhất và 2 lớp đệ nhị do thầy Trần Văn Trị làm hiệu trưởng thay giáo sư Trần Cảnh Hảo đi nhận nhiệm vụ mới.
Trong điều kiện kháng chiến hết sức khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền nhân dân xã Đại Thành nên nhà trường đã tổ chức tốt việc dạy và học, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền tòng quân nhập ngũ, góp phần phục vụ thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Nhiều học sinh của nhà trường đã được đào tạo tham gia quân đội, trở thành cán bộ chủ chốt của huyện Cẩm Xuyên, của các ngành, phục vụ kịp thời cho công cuộc kháng chiến.
Từ năm học 1950 – 1951, thực hiện chủ trương cải cách giáo dục, hệ thống trường học cả nước được chuyển thành trường phổ thông 9 năm gồm 3 cấp học. Trường Trung học Đại Thành được đổi tên thành trường cấp 2 Cẩm Xuyên. Quy mô nhà trường có 2 lớp 5, 3 lớp 6 và 2 lớp 7. Học sinh nhà trường ngoài con em Hà Tĩnh còn có các tỉnh Bình – Trị – Thiên tản cư ra học, trong đó có con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tiến sĩ Võ Thị Hồng Anh sau này.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhà trường vẫn có nhiều phong trào thi đua dạy và học. Với khẩu hiệu: “Phấn trắng – bảng đen – đèn sáng”, nhà trường thực sự là mẫu hình của các lớp học thời chiến tranh, có các tập “Tưởng Thưởng Lục” để vinh danh học sinh giỏi, có nhà in báo “Nắng sớm” xuất bản các tập san phản ánh hoạt động học tập, sáng tác thơ, văn của giáo viên, học sinh nhà trường.
Từ năm học 1953 đến 1956, nhà trường vẫn học tại đền Thánh Phủ, thôn An Việt, xã Cẩm Thành. Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Nghĩa Dân thay thầy Trần Văn Trị làm hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng. Giai đoạn này trường có thêm 1 lớp 8 nên tên trường được gọi là trường phổ thông cấp 2 – 3 Cẩm Xuyên. Đầu năm 1955, sau khi hòa bình lập lại, lớp 8 được chuyển về thị xã Hà Tĩnh, do đó tên trường lại được gọi là trường cấp 2 Cẩm Xuyên. Quy mô trường có 1 lớp 5, 2 lớp 6 và 2 lớp 7. Hiệu trưởng là thầy Trần Đằng thay thầy Nguyễn Nghĩa Dân lên nhận công tác ở Ty giáo dục Hà Tĩnh.
Đây là thời kỳ bên cạnh trường cấp 2 Cẩm Xuyên đặt tại đền Thánh Phủ còn có trường cấp 2 Tư Thục đặt tại đền Hàng Tổng của xã Đại Thành. Hai trường này có quan hệ mật thiết với nhau.
Học sinh của trường cấp 2 Cẩm Xuyên được đào tạo đã trưởng thành và tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng chính quyền ở địa phương, nhiều học sinh đã tham gia quân đội và hy sinh ở các chiến trường. Hàng chục học sinh đã được phong hàm đại tá, riêng anh Trần Trọng Toản được phong hàm thiếu tướng thuộc tổng cục hậu cần. Nhiều học sinh trở thành các nhà khoa học sau này mà tiêu biểu là giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Trương Hữu Quýnh, giáo sư Nguyễn Phan Quang, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Đường, Nguyễn Phan Oánh – Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng, nhà phê bình văn học Thiếu Mai, nhà thơ Dương Đình Hy – hội viên Hội văn học Việt Nam… Một số học sinh trưởng thành giữ các cương vị quản lý nhà nước như phó giáo sư Đinh Thế Lộc – Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp, thạc sĩ Nguyễn Cao Thâm – chánh văn phòng bộ Y tế, giáo sư tiến sĩ Trần Hữu Tuân – Viện phó Viện Tai Mũi Họng Trung ương, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiệu – Viện trưởng Viện Khí tượng Việt Nam và rất nhiều học sinh khác trở thành các chuyên viên cao cấp, cán bộ giảng dạy có uy tín ở các trường đại học.
Thầy giáo trường trung học Đại Thành nhờ có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn vững vàng nên cũng từng bước trưởng thành được cử giữ các chức vụ lãnh đạo của ngành giáo dục, giáo sư các trường đại học, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Tiêu biểu là nhà giáo nhân dân Nguyễn Nghĩa Dân, nhà giáo ưu tú Trần Văn Trị…
Từ năm 1956 đến 1965, miền Bắc nước ta khôi phục kinh tế và bước đầu xây dựng CNXH, sự nghiệp giáo dục cũng được phát triển mạnh mẽ tại huyện Cẩm Xuyên và xã Cẩm Thành. Trên địa bàn huyện, một số vùng đã có trường cấp 2, còn các xã phía Bắc Cẩm Xuyên gồm Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Bình, Cẩm Quang, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ và một số xã phía Nam huyện Thạch Hà, học sinh cấp 2 về học tại xã Cẩm Thành. Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1957 đến năm 1959 là thầy Nguyễn Uyển và sau đó là thầy Nguyễn Sĩ Ba, từ năm 1959 đến năm 1965 là thầy Nguyễn Văn Tâm. Đội ngũ giáo viên của nhà trường thuộc nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Địa điểm nhà trường lúc này thuộc thôn Làng Bàu, xã Cẩm Thành. Cơ sở vật chất từng bước được xây dựng khang trang, nhiều phòng học được xây dựng bằng gạch, lợp ngói, có vườn trường, nhà hội trường, khu tập thể giáo viên. Phong trào thi đua dạy và học đã được phát động mạnh mẽ trong công đoàn và các tổ chuyên môn. Nhà trường có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà tiêu biểu là em Nguyễn Huy Cừ, Nguyễn Chí Công đã tham dự các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhiều học sinh của nhà trường đã được đào tạo trở thành cán bộ chủ trì của các địa phương, kỹ sư chuyên ngành, cán bộ cấp cao của quân đội…
Từ năm 1965 đến năm 1975, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhà trường đã phải sơ tán về các thôn Hưng Mỹ, Vĩnh Cần, Tân Cần. Mặc dù các lớp học phải sơ tán nhưng phong trào dạy và học vẫn được đảm bảo, chất lượng giáo dục của nhà trường hàng năm vẫn được duy trì. Phong trào “đội mũ rơm đi học”, “tiếng hát át tiếng bom” đã trở thành nét đẹp truyền thống của học sinh nhà trường.
(Còn nữa)