Hồng xiêm Xuân Đỉnh: Ngọt ngào & trăn trở
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:31, 06/12/2021
Mùa đông đã đến hiên nhà, đang thì thầm bên khung cửa sổ, cơn gió mùa thổi bay những chiếc lá vàng cuối cùng. Từng chiếc lá lao xao, khẽ nép mình mãi tận cuối vườn. Một mùi hương dịu ngọt. Lạ... mà không... rất quen, chợt thoảng qua. Những trái hồng xiêm mẹ kì công tìm cách gửi cho tôi, bắt đầu chín vàng ươm. Những trái hồng đặc biệt, vượt qua hơn 11 ngàn cây số, gói ghém bao yêu thương của mẹ đã có mặt ở đây, nước Đức xa xôi. Tôi nâng niu vuốt ve lớp vỏ vàng mơ, căng mịn. Lòng chợt chùng xuống, nghe rưng rưng ngập tràn...
Xa quá quê hương ơi. Có ai về không cho tôi gửi cùng nỗi nhớ. Nơi nếp nhà xinh, có người mẹ già đang mỏi mắt chờ mong, có người bạn thân hồi bé vẫn rủ nhau đi chọc hồng. Những quả hồng chín rụng đầy sân, những quả hồng lấp ló nắng chiều, những quả hồng rung rinh cả tuổi thơ tôi hồn hậu...
Xuân Đỉnh quê tôi thuộc ngoại thành Hà Nội, nơi bờ Bắc con sông Hồng cuộn đỏ phù sa vẫn ngày đêm miệt mài xuôi chảy. Hồi đó, cứ đi một vòng từ trung tâm, đắm đuối trong muôn màu của làng hoa Quảng Bá, hòa mình vào sắc thắm đỏ của vườn đào Nhật Tân, rồi ngỡ ngàng giữa những cánh đồng quất Phú Thượng vàng ươm trong ráng chiều. Thêm một đoạn thôi, mắt ta dịu lại, chạm vào một vùng xanh thẫm mướt mát. Nhà nối nhà và từng vườn hồng nối dài như tấm thảm xanh đặc biệt.
Không biết hồng xiêm Xuân Đỉnh có từ bao giờ, nhưng tôi nghe người làng kể rằng, có cụ ông trong xã mang từ Thái Lan về một giống hồng rất quý. Trồng lên hợp thổ nhưỡng khí hậu, hồng thơm ngọt lạ lùng nên được lấy tên là hồng xiêm. Mọi người thi nhau xin giống về trồng. Hồng trước sân, hồng sau vườn, hồng vươn mình xòe tán nơi bờ ao, hồng lao xao gần bờ giậu. Chỗ nào cũng xanh mát khi hồng tỏa bóng.
Bước vào cổng làng, thứ mùi hương chạm vào khứu giác, luyến giữ chân ta là mùi hồng chín như tỏa men say, như nồng hương mật. Đám trẻ con được sinh ra, lớn lên, vui đùa quẩn quanh bên gốc hồng theo năm tháng, thấy trái hồng như một thứ quả ăn đời ở kiếp. Người dân trong làng coi nghề trẩy hồng, rấm hồng, đem hồng vào phố bán là một nghề chính sau những ngày nông nhàn. Chiếc xe cọt kẹt mắc hai thúng hồng, nối đuôi nhau rong ruổi khắp các nẻo đường Hà Nội. Không có nơi nào, ngóc ngách nào nơi phố thị, thiếu dấu chân những người phụ nữ. Đôi quang gánh trên vai, gánh cả mùi hương quyến rũ, đong đưa theo từng nhịp bước. Những trái hồng gối đầu lên nhau đều tăm tắp. Nụ cười cô bán hồng hồn hậu, ngọt ngào trong nắng chiều thơm.
Hồng xiêm Xuân Đỉnh có quanh năm nhưng nhiều nhất là chính vụ vào mùa hè. Khi những quả hồng hong đủ những sợi vàng, đi qua mùa bão giông, ngậm nắng ngậm gió nên quả già đanh. Từng thớ thịt mịn màng, ngọt lịm, không vẩn chút sạn, cứ tan dần trên đầu lưỡi.
Mùa đông dài, gió bấc tràn về buốt lạnh. Trái hồng săn lại, vỏ mỏng hơn, sậm hơn, số lượng quả ít. Người ta tìm những trái hồng vị sắc như mật, hương thơm đậm đà tinh tế hơn hẳn vụ mùa để thưởng thức.
Với số lượng lên đến hàng vạn cây, Xuân Đỉnh được coi là thủ phủ của giống hồng xiêm bổ dưỡng, ngon nhất miền Bắc, thứ trái cây đặc sản nổi tiếng Hà thành. Ai từng về Thủ đô, lang thang trên phố cổ, chắc chắn đã từng gặp những gánh hồng rong. Cô bán hồng khéo léo, gọt trái hồng xiêm rám màu bày lên đĩa. Thưởng thức thử đi, một miếng... hai miếng... bỗng giật mình, sao ngọt vậy, sao mềm vậy ta. Muốn thưởng thức thêm nữa, mua thêm nữa, về làm quà. Để chiều đông xa ngái, ở một nơi xa, chợt nhớ Hà Nội quay quắt. Mùi hương đó lại quay về da diết, vấn vương.
Khi còn nhỏ, tôi thích đến nhà bạn vào những ngày đông có nắng. Trái hồng già lúc lỉu trên cây, đang nồng giấc ngủ vùi, gặp nắng hanh vàng như bừng tỉnh, căng mình chiết mật. Chúng tôi cầm cái sào, trông thấy quả nào cuống lõm, tai dựng lên là chọc. Rinh rích cười với nhau khi thấy hồng rơi lộp bộp, giấu mình lẫn trong những lớp lá khô giòn. Chỉ cần bửa đôi quả thôi, lớp thịt hồng mềm như lụa, sượt trên đầu lưỡi ngọt tê người. Hết quả này đến quả khác, cho đến khi mắt nắng nhạt dần sau kẽ lá mới giật mình thảng thốt nhớ ra mình phải về nhà. Cái bụng no kềnh, nhưng vạt áo vẫn không quên túm hạt hồng đen nhưng nhức, để dành chơi gẩy hạt.
Buổi sớm mai mẹ xách làn đi chợ, mẹ thường ghé qua cổng vườn các cụ. Đó là vườn hồng xiêm lớn nhất của xã, các cụ trong xã được phân công thay nhau chăm sóc, nhân giống. Sáng nào cũng có một cụ mang thúng hồng chim ăn ra bán với giá rất rẻ. Tiếng chim hót ríu ran vào mỗi sớm mờ sương khi tìm được những quả hồng tít trên cao, vừa to vừa ngọt. Mùi thơm nưng nức như rượu chín lên men, tỏa ra từ cái làn đung đưa trên tay mẹ, là món quà hấp dẫn suốt tuổi thơ tôi.
Chạp hiu hiu về trên con ngõ nhỏ. Từng chùm quả rung rinh khe khẽ gió đông, gọi dân làng hối hả vào vụ trẩy hồng, chuẩn bị cho cái Tết đang cận kề. Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên quê tôi thời đó, không thể thiếu những trái hồng vẫn còn xanh. Mẹ mua về, lau sạch phấn rồi bày biện lên ban thờ. Mùi trầm quận quện sau mấy ngày Tết, ủ đủ hơi ấm. Hồng chín nựng, dập dìu tỏa hương khắp cả gian nhà.
Tôi xa quê đã lâu, nhưng mỗi lần về, mẹ lại dành cho tôi những trái hồng mẹ rấm sẵn trong thùng gạo. Tôi ăn, cả tuổi thơ ngọt ngào của mình, bỗng chốc ùa về trong giây lát.
Rồi cơn bão đô thị tràn qua. Quê tôi được vào quận lên phường, giá đất tăng vùn vụt. Diện tích bị thu hẹp lại, nhiều nhà chẳng còn nổi một gốc hồng. Cùng cảnh với vườn đào Nhật Tân, vườn quất Phú Thượng, những vườn hồng Xuân Đỉnh lâu năm cũng dần thưa bóng nhường chỗ cho khu đô thị mới. Cây hồng không còn nhiều chỗ sống, số người làm nghề trẩy hồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên ban thờ, hoa quả nhập ngoại dần thay thế trái hồng, còn đâu thoảng mùi hương vẫn hoài thương nhớ.
Nhớ lần trở về, đi trên quãng đường san sát những ngôi nhà bê tông bề thế kiên cố, nhìn bóng cây thưa dần trong con ngõ nhỏ, tôi xót xa tự hỏi, sẽ còn đến bao giờ trái hồng xiêm quê tôi? Cùng với cam Canh, bưởi Diễn... những thứ trái cây đặc sản của Thủ đô, làm nức lòng bao du khách món quà quý cho người phương xa và là niềm tự hào của người Hà Nội... liệu sẽ còn đến bao giờ?