Ma Văn Kháng vẫn "một mình một ngựa" đường văn
Thơ - Ngày đăng : 11:32, 15/12/2017
Món nợ ân tình
Bộ 8 cuốn sách tái bản gồm 5 tiểu thuyết: "Đồng bạc trắng hoa xòe", "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn", "Một mình một ngựa", "Đám cưới không có giấy giá thú", "Mùa lá rụng trong vườn" và 3 tập truyện in tổng số 100 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng. Ông có khoảng 30 tiểu thuyết, truyện dài, hàng trăm truyện ngắn nổi bật và vẫn đang miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn chương.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa cho nhà văn Ma Văn Kháng tại buổi giao lưu "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Hồi tháng 9-2017, Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết "Chim én liệng trời cao" (NXB Kim Đồng). Trước đó, năm 2016, ông giới thiệu cuốn tạp bút "Nhà văn, anh là ai" (NXB Văn hóa Văn nghệ). Năm 2015, ông có tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên" (NXB Trẻ). Trước đó nữa, ông có "Xa xôi thôn ngựa già" (năm 2014), "Phút giây huyền diệu" (NXB Hội Nhà văn) và "Chuyện của Lý" (2013), "Một mình một ngựa" (năm 2009 - đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội)...
"Chim én liệng trời cao" dày tới gần 400 trang, được thai nghén hơn 50 năm mới hoàn thành. Nhân vật chính của tác phẩm sinh ra ở bản Cam Đồng, nơi người Tày và người Dao sinh sống. Cậu bé ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm bầy chim én rồi thổi sáo bài "Chim én liệng trời cao". Kháng chiến, cậu bé sớm gia nhập đội ngũ những người làm cách mạng trên quê hương mình. Cuộc đời cậu được ví như chim én với khao khát tung cánh bay trên bầu trời tự do.
"Xa xôi thôn ngựa già" có nhân vật chính là cô gái Seo Ly - một phụ nữ tuyệt sắc của xứ Mèo trên đỉnh núi Fansipan. Tác giả đã mô tả: "Sắc đẹp và tên tuổi nàng từ lâu đã lưu truyền trở thành một trong những truyền kỳ đặc sắc nhất trong vùng. Mắt nàng biếc xanh màu núi lung liêng, môi nàng hé mở đầy vẻ mời mọc, gợi tình". Seo Ly cũng là người gây nên những bi hài kịch, những vụ thăng chức, giáng chức của các vị quan quan trọng trong huyện, để từ đó những âm mưu, toan tính có cơ hội được hé lộ...
Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết ông viết tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên" từ câu chuyện của người bạn - một thanh niên lên vùng cao dạy học. Người bạn bị sa thải oan uổng nhưng chọn cuộc sống lao động thanh sạch, quyết không trả thù để giữ cốt cách.
Tiểu thuyết "Một mình một ngựa" là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ nhưng hàm chứa mặc cảm cô đơn... "Một mình một ngựa" vừa oai vũ vừa đơn côi, là thân phận của tất cả cá thể có ý thức về giá trị của mình. "Câu chuyện cũng có dáng dấp của một tự truyện, là sự hòa trộn giữa cao cả, lãng mạn, phi thường và những thói đời nhỏ nhặt, tầm thường" - nhà văn Ma Văn Kháng tự sự.
Hầu như các cuốn sách của nhà văn Ma Văn Kháng đều là món nợ ân tình mà ông trả cho vùng núi Tây Bắc - nơi ông từng gọi là vùng thẩm mỹ của mình. Ngay cả bút danh gắn với một đời văn chương của ông và sau này trở thành tên thường gọi cũng là cái "duyên" từ vùng đất đó, chứ nhà văn sinh ra và lớn lên ở một làng cổ của Hà Nội, tên thật là Đinh Trọng Đoàn.
Thăng hoa rồi rã rời
Nhà văn Ma Văn Kháng đoạt rất nhiều giải thưởng. Ông được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012.
Bạn bè làng văn ghi nhận sự vững vàng của tay nghề tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Ông xử lý kỹ thuật rất khéo léo, vừa luôn đặt ra những vấn đề của xã hội một cách thẳng thắn, không né tránh vừa thu hút, quyến rũ với những mạch ngầm văn hóa.
"Sau ca phẫu thuật tim năm 2016, tôi may mắn vì có thể ngủ được, giờ giấc sinh hoạt không bị xáo trộn nhiều. Hằng ngày, tôi dậy tập thể dục từ 6 giờ, đi bộ quanh hồ và uống thuốc... " - nhà văn cho biết.
Tuổi đã cao và phải chống chọi với căn bệnh tim nhưng nhà văn Ma Văn Kháng lại rất sợ những ngày rỗi rãi. Nhà văn kể: "Uống thuốc xong mà thấy khỏe thì ngồi vào bàn. Có hôm viết được 1-2 giờ thì dừng lại nghỉ. Cũng có lần, cảm hứng ùa về thì ngồi viết một mạch hết cả buổi sáng, trưa ăn xong lại ngồi viết tiếp đến chiều. Khi bắt đầu viết thì mê man, thăng hoa nhưng viết xong rã rời đến mức không thể nói chuyện được với ai nữa".
"Chúng ta yêu mê say công việc của mình, vì như Maxim Gorki nói: Với quyển sách và cây bút là vũ khí trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai! Vì nghề nghiệp này đã hóa giải tâm hồn và lý tưởng của chúng ta. Vì khát vọng về sự toàn thiện, toàn mỹ trên mỗi câu chữ, mỗi trang văn" - nhà văn Ma Văn Kháng tự sự trong "Nhà văn, anh là ai".
Nhà văn Ma Văn Kháng luôn viết đến kiệt sức như những tín đồ trung thành, dâng hiến cuộc sống cho sáng tạo. Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa của thời đại. Ma Văn Kháng cho rằng nhà văn là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn, gánh vác một trách nhiệm, một nghề nghiệp để rồi sống chết với nó và bằng cách sống, cách làm việc, họ sẽ đem tài năng phụng sự cho lợi ích của con người.