Tuyến buýt BRT sau 1 năm vận hành: Dần thuyết phục được hành khách
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:15, 09/02/2018
Đó là ý kiến đánh giá của cơ quan chức năng và đông đảo hành khách về tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Thủ đô sau 1 năm vận hành. Những chỉ số về khai thác được ghi nhận từ đơn vị trực tiếp quản lý cũng cho thấy không ít chuyển biến tích cực. Quan trọng hơn, việc thiết lập tuyến BRT và không gian dành riêng cho tuyến đã tích cực góp phần nâng cao ý thức chung của người tham gia giao thông...
Xe buýt BRT đang dần trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn |
Tuyến buýt nhanh BRT01 Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1-1-2017. Đây là loại hình xe buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai tại Hà Nội. Bà Nguyễn Hải Liên (số nhà 222 đường Thanh Bình, quận Hà Đông) đánh giá, sau giai đoạn đầu bộc lộ một số bất cập, đến nay tuyến buýt nhanh đã hoạt động khá ổn định. Thích nhất là xe chạy nhanh hơn so với xe buýt thường, tần suất chỉ 5-10 phút/lượt xe nên khách không phải chờ lâu. Tại các nhà chờ trên tuyến có hệ thống wifi miễn phí, máy bán nước tự động, nhà vệ sinh...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, sau 1 năm vận hành, sản lượng hành khách vận chuyển được trên 4,98 triệu lượt. Sau giai đoạn đầu làm quen, từ quý II-2017, tuyến đã đi vào hoạt động ổn định và sản lượng hành khách ngày càng tăng. Đa phần hành khách hài lòng và đánh giá chất lượng dịch vụ của tuyến có những ưu điểm, thuận tiện hơn rất nhiều so với các tuyến buýt thông thường khác. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%; tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/giờ (nhanh hơn 30% so với xe buýt thường), thời gian chạy xe trung bình 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội), giao thông dọc tuyến là một trong những yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng chính đến chất lượng dịch vụ và độ tin cậy của tuyến buýt BRT. Do đó, công tác tổ chức giao thông dọc hành lang BRT đã được ưu tiên hàng đầu phục vụ tuyến BRT vận hành. Sau thời gian đầu còn lộn xộn thì đến nay, trật tự an toàn giao thông trên tuyến đã được thay đổi cơ bản, từng bước cải thiện ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông và nhận thức xã hội như: Đi đúng làn đường quy định, ưu tiên đường dành riêng cho tuyến BRT tại các điểm giao cắt. Ý thức được cải thiện chính là tiền đề cho việc xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng thừa nhận, tuyến BRT đầu tiên này vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình là chưa có hệ thống vé tự động. Hiện nay Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai thử nghiệm hệ thống thẻ vé điện tử cho tuyến xe buýt nhanh BRT, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018. Ngoài ra chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông nên mặc dù đã có làn đường riêng nhưng vẫn còn hạn chế trong việc bảo đảm lưu thoát cho BRT khi qua các nút ngã tư; chưa có hệ thống thông tin điện tử, kết nối trực tuyến các xe BRT theo thời gian thực tại các nhà chờ BRT. Hiện mới có 10/21 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường. Chưa có điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ BRT...
Thời gian tới, để bảo đảm tuyến buýt nhanh BRT01 vận hành ổn định, Trung tâm sẽ phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt kết nối với tuyến buýt nhanh BRT01 tại 2 điểm đầu cuối và dọc hành lang BRT; đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hằng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau...
Ngoài ra, Trung tâm sẽ đề xuất và thực hiện xén hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m; cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ; tiếp tục đề xuất bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn làn; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT...