“Dương Tường thơ”: Những hạt - từ mơ mộng
Truyện - Ngày đăng : 14:40, 05/03/2018
Tiếp sau triển lãm “Dương Tường qua con mắt bạn bè” giới thiệu 36 bức chân dung nhà thơ được vẽ bởi các họa sĩ, năm 2017, dịch giả - nhà thơ Dương Tường còn ra mắt bạn đọc cuốn sách “Dương Tường thơ” như một sự tổng kết đời thơ nhân sinh nhật ông tròn 85 tuổi.
Nếu “Dương Tường qua con mắt bạn bè” là không gian bè bạn thì “Dương Tường thơ” là cõi riêng của nhà thơ. Dương Tường chân dung là hình, nét, màu vẽ bởi sự thân quý của nhiều thế hệ họa sĩ như: Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm…; thì thơ là âm bóng của chữ và siêu chữ.
Sách thơ gồm bốn phần: Thơ tiếng Việt (Tôi đứng về phe nước mắt), thơ tiếng Pháp (Le soir est tout soupirs), thơ tiếng Anh (At the Vietnam wall) và thơ thị giác. Trong thế giới của Dương Tường, thơ ca đã vang lên bằng vẻ đẹp của nhiều ngôn ngữ, bằng những hình dung tưởng tượng, bằng chuyển ngữ và bằng biểu cảm trên tạo hình của chính ngôn ngữ. Dương Tường đã làm thơ theo lối viết và vẽ chúng, dẫn người đọc bước vào không gian của mọi sự có - thể - hóa - thơ.
Để tổng kết cuộc đời Dương Tường, bạn ông - nhà văn Châu Diên đã nói: Dương Tường là “một người mơ mộng” mặc dù “thân phận của nhà thơ là cô đơn”. Còn “để ghi trên mộ chí sau này - Tôi đứng về phe nước mắt” thì câu ấy có lẽ là một lựa chọn. Một lựa chọn đã ẩn chứa sẵn niềm mong ước, vì “phe nước mắt của tôi là tất cả những người đàn bà bất hạnh, những đứa trẻ con mồ côi, phe nước mắt của tôi là những người bị áp bức, phe nước mắt của tôi là những người trôi dạt trên cuộc đời…”.
Có khi nào họ đọc những lời này của ông: “Thị trấn bê bết tựa sạp hàng thịt/ anh góp vào đổ nát hai cái răng cửa/ Tảng sáng/ trận địa pháo/ lạc vào một con ngan bị thương” - bài Hai tấm ảnh chụp vội dọc đường chiến tranh phá hoại. Hoặc “Thôi quên đi/ vết xước rớm máu những mùi/ hoa lạ cài then ngang con số 7/ hớ hênh và jã từ những/ đường cong graphic xâu chuỗi/ những thở zài gánh đầy hai vai/ những dấu nặng trọng điểm của/ Định Mệnh và/ cái buồn điểm chỉ lên vĩnh viễn/ nâu nâu căn cước tâm hồn” - bài Mea culpa. Hoặc nữa: “Em đi - nhớt đêm/ Em đi - mưa xiên/ Em đi - trời nghiêng/ Em - đời bỏ quên” - bài Bella, Tặng những ai sống làm vợ khắp người ta). Và “Bởi lẽ mình với cậu/ chưa hề biết nhau/ nên mình đến/ Bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng/ người hôn ước/ và mình cũng từng giã biệt vợ con/ nên mình đến/ Bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận/ và có thể bắc cầu qua mọi đại dương/ nên mình đến/ Bởi lẽ cậu không trở lại/ còn mình đã có ngày về/ nên mình đến” - bài At the Vietnam wall - Viết ở bức tường Việt Nam.
Hoặc có khi nào người ta bỏ qua thơ chỉ vì rào cản hình thức? Thêm một câu hỏi đặt ra: Tiếp cận thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung, xét từ góc độ tác giả và độc giả, thì hình thức quan trọng hay nội dung quan trọng hơn? Có ý kiến cho rằng nếu nội dung chưa sâu sắc thì đừng bàn đến lớp áo bề ngoài; ý kiến khác lại nói: nội dung thường xoay quanh những điểm chính như lòng nhân ái, vẻ đẹp, sự hướng thiện… thì một hình thức mới mẻ sẽ đem lại sự mới mẻ cho nghệ thuật. Không thể phủ nhận Dương Tường là một trong số rất ít nhà thơ có một cách thức thơ mới mẻ (ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX, tác giả chưa biết đến hình thức thực hành thơ thị giác ở nước ngoài) nhưng không vì thế ông có quan niệm đề cao hình thức thơ. Theo ông “không tách rời hình thức và nội dung, hình thức cũng là nội dung. Cái nội dung đòi hỏi hình thức phù hợp với nó, cho nên chúng quyện lên nhau”. Thơ thị giác “phản ảnh sự chuyển dịch ngôn ngữ của thơ sang các ngôn ngữ nghệ thuật khác. Như vậy, thơ trở nên siêu ngôn ngữ, và không có một hạn chế nào cho sự phát triển của thơ”.
Nếu không tách rời hình thức và nội dung thì tư duy thơ của người Việt có thay đổi khi người ta vẫn dùng thể thơ rất truyền thống là lục bát? Nếu không tách rời hình thức và nội dung thì đâu là cái đích cho việc tiếp nhận thơ khi nhà thơ đã bỏ đi hầu hết chuỗi ngôn từ để giữ lại những hạt - từ lấp lánh điểm vào bức tranh? “Cùng dùng thể thơ lục bát nhưng từ ca dao tới Truyện Kiều của Nguyễn Du, tới thơ lục bát của Huy Cận, lục bát của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn đã có những sự khác nhau”. Cũng như cùng sáng tạo con chữ nhưng thơ của Đặng Đình Hưng khác thơ của Trần Dần, khác thơ của Dương Tường. Cùng làm thơ thị giác nhưng thư đồ thi Dương Tường khác Trần Dần. Cho nên cuối cùng, cốt lõi của một nhà thơ chính là hồn thơ.
Đến nay Dương Tường đã dịch đến sáu chục đầu sách và làm gần 100 bài thơ. Nhưng không ai lấy số chữ của gần 100 bài thơ đem so với số chữ của 60 đầu sách để đo tâm hồn. Ông tự nhận “tâm hồn tôi vẫn là nhà thơ”, cho nên viết hay vẽ thơ cũng là các cách diễn đạt thơ của chính mình, là trải nghiệm chính hồn mình.
Chỉ khi người ta thơ từ tận trong hồn, người ta mới có thể mang chút mình ra cho người khác. Theo lối ấy, Dương Tường đã có đầy “hạt - từ” mơ mộng dù bây giờ ông không làm thơ nữa.