Chú khuyển trong lễ hội dân gian
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:50, 05/03/2018
Trong lễ hội dân gian, người ta thường cúng tam sinh (trâu, bò, dê hoặc lợn). Tuy nhiên dù hiếm ta vẫn thấy chó xuất hiện trong các hội làng ở vùng quê như ngày 12/1 ở Phương Lâm (Hưng Yên), ngày 2/2 ở Đường Yên (Hà Nội) và ngày 5/3 ở Địch Vĩ (Hà Nội) rồi ở làng Cát Cát (thị trấn Sa Pa - Lào Cai).
Người làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) coi những con chó đá là linh vật.
Đình Phương Lâm, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thờ Đông Bảng Hùng Chấn tướng quân, và Đông Bảng Hùng tướng quân, hai anh em đã phò Thái úy Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm. Truyền thuyết của làng kể cứ vào đêm 30 Tết, có ông Hổ đến phục trước cửa đình. Dân làng thịt một con chó để lúc sang canh cho Hổ ăn có lần Hổ xuống đến dân làng Đống Bò thôn Tranh bị người ta đánh bẫy. Dân thôn Phương Lâm xin da Hổ để hàng năm trình diễn trong hội làng. Hiện nay trong sân đình vẫn còn dấu tích nấm Hổ phục. Hàng năm dân làng vào đám từ 9/1 đến 12/1. Trước đó, các cụ trong ban chỉ đạo thịt một con chó cúng thần rồi tổ chức trò đấu vật thổi cơm thi. Kết thúc hội các cụ thụ lộc bằng thịt chó luộc chấm mắm tôm.
Đình Đường Yên (Đông Anh, Hà Nội) thờ Mẫu Bà và Á Lự Lê Hoa, người có công theo Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán (năm 40 – 43 SCN). Khi đất nước thanh bình, Lê Hoa gửi lại kiếm gươm nhờ Mẫu Bà tổ chức lễ cởi vú mo và kén một chàng rể. Ngày nay cứ hội xuân ngày 2/2 lại có thiếu nữ đóng Lê Hoa và nhóm chàng trai chưa vợ đóng vai chàng rể thi cày, thi câu ếch, thi bắt chạch và cuối cùng thi chọc chó. Dứt một hồi trống là 2 người bước vào bên 2 cái chõng tre, trên đó có cũi tre nhốt chó và 2 nắm cọng riềng. Dứt 3 hồi trống 2 chàng rể phải trổ tài dùng mẹo để chọc chó. Có cái khó là chó thấy riềng thường không kêu. Bên cạnh chõng tre có 2 đầy tớ dùng trống khẩu cổ vũ. Chó bên nào kêu trước thì người đó thắng cuộc. Sau 4 vòng thi chàng trai nhiều điểm nhất sẽ được Mẫu Bà khen thưởng được làm rể quý, sánh vai cùng công chúa bước vào đình lễ tạ rồi kết duyên Tấn Tần, có tính chất tượng trưng:
Cọng riềng chọc chó kêu to
Ai người thắng cuộc Vú Mo được vời
Đình đền Địch Vĩ, huyện Đan Phượng, Hà Nội thờ thần Linh Lang có công theo Thái úy Lý Thường Kiệt phá Tống ở phòng tuyến Như Nguyệt để bảo vệ kinh thành Thăng Long (năm 1077). Bên cạnh còn phụ thờ Linh Giang Đại vương Hoàng Thạch. Sự tích kể ở vùng Hát Môn có 2 anh em nhà kia, anh là Ngọc Trì, em là Hoàng Thạch. Anh ra trận đánh giặc giao lại ruộng vườn nhà cửa cho vợ và em trai. Khi giặc tan trở về anh thấy vợ có mang bèn nghi cho người em trai. Không kìm được giận dữ anh cãi nhau với em mắng là đồ hải cẩu, rút gươm chém chết rồi vứt xác em xuống dòng sông Hát. Đến thời kì sinh nở, vợ người anh sinh ra một quái thai. Người em được minh oan, xác hóa thành Chó Đá trôi xuống đầu làng Địch Vĩ. Dân làng vớt lên lập miếu thờ. Đến nay vẫn còn tượng một ông Chó và đàn chó con bằng đá, tất cả nhìn về hướng Hát Môn nơi có đền thờ nữ tướng Hai Bà Trưng. Hàng năm vào dịp đầu xuân, dân làng mang lễ vật đi độ 3km lên đền Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) để tế lễ. Truyền rằng chỉ có lễ của dân em Địch Vĩ mang lên ngày 6/3 thì dân anh Hát Môn mới khởi kiệu, ngày 7/3 vào hội xuân rước tế và ném 100 viên bánh trôi xuống dòng sông.
Người H’Mông ở làng Cát Cát (thị trấn Sa Pa) quan niệm chiếc cáng khiêng người chết là biểu tượng của “ma ngựa” - “ Đa hầu chua”. Khi trẻ nhỏ bị ốm mãi không khỏi, thầy cúng bói có ma ngựa làm hại, gia đình đứa trẻ sẽ tổ chức một lễ đuổi ma ngựa.
Để tiến hành nghi lễ, thầy cúng cắt một chiếc cáng giấy tượng trưng cho ma ngựa “Đa hầu chua” kích thước 25 - 40cm có 4 chân, cắt hình nhân bằng giấy “Mào Zình” rồi đặt lên chiếc cáng giấy đó. Gia đình chủ nhà phải thịt một con chó. Khi thịt cắt cái đầu, 4 cái chân để cúng sống, còn thịt khác để nấu chín. Khi nấu chín, mâm cúng được sắp ra với đủ cả món nấu chín và các phần thịt sống. Mâm cúng được đặt ở gian giữa ngôi nhà, phía trước mâm cúng đặt một cái cáng với một hình nhân giấy. Để đuổi ma ngựa cần phải có 1 thầy cả và 4 thầy cúng phụ. Lễ cúng diễn ra như sau: Khi sắp xếp xong các đồ lễ tại gian giữa, 4 ông phụ cúng cầm 4 cái chân chó đứng ở 4 góc quanh mâm cúng và chiếc cáng giấy. Thầy cả châm 3 nén hương và cầm lên cái đầu chó rồi quay mặt về bàn thờ tổ tiên vái 3 vái và tuyên bố lý do tổ chức nghi lễ cúng này: Do thầy đã bói thấy ma ngựa làm hại linh hồn của đứa trẻ, hôm nay thầy nhờ các thầy phụ cúng ở trần gian, nhờ sức mạnh của các ma tổ tiên và ma tốt của nhà để đuổi con ma ngựa. Ma ngựa này đã quấy phá lâu rồi làm cho người sống không thể sống bình yên. Hôm nay ta đã tìm được con vật ác, ta nhờ sức mạnh linh hồn con chó đánh đuổi con ma ngựa ra khỏi cuộc sống bình yên gia đình chủ nhà! Thầy ra lệnh cho các ông phụ cúng thể hiện sức mạnh của bề trên và vũ khí là con vật ác để đuổi nó đi. Thầy cầm đầu con chó làm động tác quay 4 hướng rồi vào giữa mâm tượng trưng cho sự canh chừng để chộp được con ma xấu.
Tóm lại, chú khuyển chó xuất hiện trong hội làng và trong nghi lễ vòng đời người, ông cha ta từ năm nghìn năm trước nuôi chó để đi săn, giữ nhà, chó là loài vật trung thành và tận tụy với chủ nhà như một người bạn tốt. Chó được đưa vào 12 con giáp, đứng dưới con gà (Dậu) và trên con lợn (Hợi). Chó đã đi vào tục ngữ như “chó giống cha, gà giống mẹ”, “chó giữ nhà, gà bắt chuột”, “chó ông thánh cắn ra chữ”. Chó đã đi vào tâm linh, một nét độc đáo trong đời sống văn hoá của dân tộc Việt.