Phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 12:37, 07/03/2018
Phố Nguyễn Biểu dài 247m, rộng 8m.
Đây nguyên là đất thôn Tân Yên tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Châu Long thành thôn Châu Yên.
Thời Pháp thuộc (1928) đây là phố anh em Snây-đe (rue des Frères Schneider). Schneider là một nhà xuất bản tư nhân và là giám đốc Thư viện phổ biến khoa học kỹ thuật ở Bắc Kỳ. Năm 1916 Schneider ký với quyền Thống sứ Bắc Kỳ một hợp đồng về việc xuất bản tại Bắc Kỳ 4 ấn phẩm: Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Công thị báo, Pháp - Việt dân báo. Theo quy định của chính quyền thuộc địa tất cả các Thống đốc, Tuần phủ, Án sát, Tri phủ, Tri huyện đều phải đặt mua Đông Dương tạp chí vì mỗi số của loại tạp chí này đều có phụ trương in các văn bản chính thức đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, ngoài ra còn cung cấp nhiều kiến thức về văn học, khoa học giáo dục và thực hành tiếng Pháp...
Năm 1945 đổi tên thành phố Nguyễn Biểu.
Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Nguyễn Biểu người làng Nội Diên, nay là xã Đức Diên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1413. Ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ), đời Trần Trùng Quang làm chức ngự sử. Năm 1413, tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh tới Nghệ An. Vua Trùng Quang chạy vào Hóa Châu sai Nguyễn Biểu đến trại giặc giảng hòa. Để thử tinh thân ông, Phụ thết cỗ đầu người. Ông khoét ngay hai con mắt, chấm vào dấm rồi nuốt, lại làm một bài thơ nói về việc này, ý nói đầu giặc Minh là một đồ nhắm được! Ông đề xuất vấn đề công nhận vua Trần. Trương Phụ không nghe, ông trở về. Do bọn gian thần tâu hót, Phụ sai lính đuổi bắt ông lại. Ông sỉ mắng Trương Phụ. Tên tướng giặc này liền ra lệnh trói ông vào cột ở chân cầu sông Lam để nước thủy triều dâng lên dìm chết ông.