Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới”

Thơ - Ngày đăng : 10:38, 20/12/2021

Từ ngày 18 - 19/12/2021, Trường Đại học Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài (Bộ Giáo dục Trung Quốc) và Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới” theo hình thức trực tuyến.
 Được biết Hội thảo nhằm tạo diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong và ngoài nước trao đổi những vấn đề, xu hướng nghiên cứu đang phát triển nhất hiện nay; thúc đẩy đổi mới trong giáo dục tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.
Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới”

Tham dự Hội thảo có ông Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, GS. Tô Quế Phát - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc). Về phía Trường Đại học Hà Nội có TS. Phạm Ngọc Thạch - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng cùng với các thầy, cô trong Ban giám hiệu; các thầy, cô là lãnh đạo đại diện cho các phòng, khoa, ban trong nhà trường. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan để trình bày báo cáo tại phiên toàn thể, gần 40 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước báo cáo tại 6 tiểu ban và một số nghiên cứu sinh, tiến sĩ đã và đang nhận học bổng “Chương trình Tân Hán học” cùng những người quan tâm.

Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới”
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - Lương Ngọc Minh phát biểu tại Hội thảo.

Thay mặt cho Trường Đại học Hà Nội phát biểu khai mạc, Phó hiệu trưởng Lương Ngọc Minh hân hoan gửi lời chào đón tới các vị đại biểu tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Phó Hiệu trưởng khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ đặc biệt, có tình hữu nghị sâu sắc, có sự giao lưu hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Tại Việt Nam, số người học tiếng Trung Quốc ngày càng nhiều. Trong đó, Trường Đại học Hà Nội là trường giảng dạy ngoại ngữ hàng đầu ở Việt Nam; khoa tiếng Trung Quốc với tuổi đời trên 60 năm đã đào tạo ra hàng chục ngàn sinh viên theo học tiếng Trung Quốc. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 03 bậc: Cử nhân; thạc sĩ, tiến sĩ, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành tiếng Trung Quốc xếp thứ hai toàn trường. Đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng thí sinh tham dự kì thi HSK, HSKK tại điểm thi Viện Khổng Tử của Trường Đại học Hà Nội cũng không ngừng tăng nhanh. Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới” có ý nghĩa thúc đẩy việc nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam. Thông qua Hội thảo, các thầy cô, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội tốt để mở rộng giao lưu học thuật và nghiên cứu, cập nhật thêm kiến thức mới, nhằm nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Nam Tú cho biết hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước có số lượng lưu học sinh đông nhất tại Trung Quốc (khoảng 13.000 người). Số lưu học sinh Trung Quốc học tập, nghiên cứu tại Việt Nam cũng ngày càng tăng, khoảng trên 4.000 người. Tại Việt Nam hiện có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, có 27 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Trung Quốc và Việt Nam được Bộ GD&ĐT cấp phép. Cùng với đó là sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi học thuật của các học giả – những người quan tâm vun đắp cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ văn hoá Trung Quốc - ngày một nhiều hơn, góp phần tích cực cho việc tăng cường mối quan hệ giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Trung Quốc và tìm hiểu văn hoá Trung Hoa giữa các nước trong khu vực trong thời kỳ hội nhập. Hội thảo được tổ chức hôm nay là diễn đàn giúp cho các học giả, giáo viên dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, phát hiện và bồi dưỡng thêm nhiều nhân tài xuất sắc trong lĩnh vực này, góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác, giao lưu văn hoá, kinh tế giữa hai quốc gia, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai đất nước. Nhân dịp này, ông Trần Nam Tú cũng gửi lời cám ơn tới Trung tâm Hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài (Bộ Giáo dục Trung Quốc), Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) và Trường Đại học Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo, khoa học cho công tác tổ chức hội thảo lần này.

Sau phiên khai mạc, các báo cáo viên đã trình bày 06 báo cáo tại hội thảo, gồm: Chương trình đào tạo và hiện trạng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Khoa tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội (TS Đinh Thị Thanh Nga, Khoa tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội); Vấn đề tam giáo trong việc giảng dạy tiếng Trung Quốc ở nước ngoài (GS.TS Furukawa Yutaka, Trường Đại học Osaka, Nhật Bản); Những thách thức và cơ hội trong việc giảng dạy tiếng Trung Quốc ở Thái Lan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (PGS.TS Pornpan Juntaronanont, Trường Đại học Krirk, Thái Lan); Nghiên cứu về giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong đại dịch Covid-19 (GS.TS Zhao Yan Hua, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc); Thực trạng và triển vọng về giảng dạy tiếng Trung Quốc bậc Phổ thông ở Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN); Những thay đổi trong kỳ thi năng lực Hán ngữ quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (TS Li Pei Ze, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Hán khảo Quốc tế, Trung Quốc).

Trong buổi chiều cùng ngày, Hội thảo chia thành 6 tiểu ban với các phiên làm việc song song. Trong đó tiểu ban 1 với chủ đề “Biên phiên dịch và Giáo dục tiếng Trung Quốc trong thời đại mới” gồm 5 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu xung quanh việc biên soạn giáo trình, kĩ năng biên phiên dịch Việt - Trung và xu hướng phát triển giảng dạy tiếng Trung Quốc trong thời đại mới. Tiểu ban 2 với chủ đề “Văn tự, Văn học và Văn hoá” gồm 4 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu về đối chiếu văn tự, văn học của Việt Nam và Trung Quốc, đưa ra các phương pháp giảng dạy dưới góc nhìn văn hoá và tình hình học chữ Hán của học sinh, sinh viên Việt Nam. Tiểu ban 3 với chủ đề “Ngữ pháp tiếng Trung Quốc” gồm 5 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Trung Quốc, đặc biệt là các thể loại từ trong ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra còn đề cập tới quá trình thụ đắc ngôn ngữ của học sinh, sinh viên Việt Nam. Tiểu ban 4 với chủ đề “Giáo trình tiếng Trung Quốc” gồm 4 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu về việc biên soạn giáo trình ngôn ngữ Trung Quốc, văn hoá Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc, ảnh hưởng của giáo trình đến trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam. Tiểu ban 5 với chủ đề “So sánh ngôn ngữ Việt - Trung” gồm 4 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu so sánh đối chiếu từ vựng, ngữ pháp trong hai ngôn ngữ Việt - Trung dưới góc độ ngôn ngữ học so sánh. Tiểu ban 6 với chủ đề “Học và Dạy tiếng Trung Quốc” gồm 5 báo cáo trao đổi thông tin, nghiên cứu về các phương pháp học tập và giảng dạy tiếng Trung Quốc ở các trường Đại học tại Việt Nam, đưa ra các đề xuất, kiến nghị về phương pháp học tập và phương pháp giảng dạy để việc Học và Dạy tiếng Trung Quốc thu được kết quả tốt hơn.

Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới”

Trước đó, chiều ngày 18/12/2021, trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra buổi Tọa đàm tiến sĩ và nghiên cứu sinh “Tân Hán học”: Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế và phát triển xã hội với sự tham gia của một số nghiên cứu sinh, tiến sĩ đã và đang nhận học bổng “Chương trình Tân Hán học” (tên viết tắt là “CSP”).

PV