Đại Phùng xưa hát trống quân

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 20:35, 15/03/2018

Hát trống quân đã xuất hiện ở xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội từ rất xa xưa. Đến nay các cụ trưởng lão, cao niên trong làng cũng chỉ nhớ rằng: Ngày xưa cứ vào mùa thu khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch công việc đồng áng đã vãn, tiết trời khô ráo, mát mẻ các xóm bắt đầu tụ tập hát trống quân. Thời gian vào các buổi tối sáng trăng từ mùng 10 đến 20 hàng tháng.
Đại Phùng xưa hát trống quân
Hát trống quân ở Đại Phùng vẫn được lưu truyền cho đến hôm nay.
Nhạc cụ hát trống quân rất độc đáo. Có thể gọi là cây đàn bằng đất không thể mang đi nơi khác được. Cuộc hát ở đâu thì làm trống đất ngay tại đó: ở đầu đình, cổng chùa, cổng xóm, đầu làng… Để có một chiếc trống người ta đào một cái hố dưới mặt đất bề rộng từ 20cm đến 25cm và sâu 30cm phía dưới khoét hình tròn, hàm ếch để tạo độ âm vang và bỏ vào đó dăm bảy chiếc vỏ ốc để có âm thanh khác nhau. Trên mặt hố đậy bằng một tấm ván gỗ sung hình tròn mỏng độ 1cm sao cho vừa kín mặt hố. Phía trên dùng một sợi dây mơ tía hoặc một sợi dây mây già phơi kỹ, dài 1,5m đến 2m, buộc hai đầu dây vào cọc tre, kéo căng sợi dây qua giữa mặt trống. Ở giữa mặt trống có chiếc lẫy bằng tre hoặc gỗ dài 15cm đến 20cm kéo sợi dây thật căng, đầu dưới của lẫy nằm giữa tâm mặt trống. Người hát dùng một thanh que gõ trên dây đàn theo nhịp hát tạo âm sắc trầm bổng khoan nhặt thiết tha. Cũng có khi để lẫy đàn chia dây bên dài bên ngắn sẽ tạo thành âm thanh bên đục bên trong. Tiếng trống cất lên trong đêm thanh vắng, lôi cuốn các nam thanh nữ tú kéo về tụ hội, tỏ tình, ca ngợi quê hương…

Cuộc hát trống quân chia làm hai bên nam và nữ, mỗi bên cử ra một người có tài ứng đối văn thơ, đối đáp. Lời hát trống quân chỉ là hai câu thơ lục bát (trên sáu dưới tám). Cái hay là người hát phải nhanh trí vận thơ sao cho nối được vần, để chữ cuối của người hát trước (câu tám) phải vần với chữ cuối của vần đầu (câu sáu) của người hát sau:

Người trước hát:

May như bắt được kim vàng
May sao lại được gặp chàng ở đây.

Người sau hát tiếp:

Cũng là bà Nguyệt se dây
Se cho mình đến chốn này với ta.

Hai bên đối đáp có người ngồi giữa đánh đàn gọi là kép. Kép là nhân vật đẹp về ngoại hình lại có giọng hát hay chuyển lời thơ thành giai điệu hát trống quân. Như kẻ xướng người họa đồng thời đánh đàn điêu luyện nâng bổng lời hát thêm hấp dẫn, người nghe càng thích thú. Canh hát chia làm ba bước:

Thứ nhất là hát chào hỏi:

Tháng tám anh đi chơi xuân
Đồn đây mở hội trống quân anh vào.

Hát chào hỏi là phần mở đầu có tính chất làm quen khiêm nhường tế nhị:

Ước gì ta lấy được nàng
Mùa nào thức ấy gửi sang làm quà…

Tiếp đến là hát yêu:

Một yêu cái cảnh huê tình
Hai yêu ta đứng với mình hôm qua.

Rồi hát nhớ:

Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than.

Đến hát thương:

Cây sơn lâm lá cội sơn vàng
Cây bao nhiêu lá thương chàng bấy nhiêu.

Và hát tìm:

Tai nghe tiếng hát đâu đây
Ta về ta sắm thuyền mây đi tìm.

Trống quân đến đoạn cao trào, gay cấn giữa hai bên là hát đố và hát giảng:

Quả gì ngọt lắm chàng ơi
Quả gì anh để hành ngơi trong nhà?

Hoặc:

Cái gì sắc như dao cau
Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?

Khi thì bên nam hát đố, bên nữ hát giảng và ngược lại. Đến khi một bên bí vận không giảng được đành phải chịu thua cuộc. Cuộc chơi chuyển sang hát họa cho hài hòa không khí. Bên nam họa nắng bên nữ họa mưa hoặc bên nam họa núi bên nữ họa sông, họa chợ, họa trời… Rồi họ khéo léo chuyển sang các bài hát thách cưới, rất trào lộng và hóm hỉnh làm cho cuộc hát tưởng như không dứt được.

Cưới em chín tấm lụa đào
Chín mươi hạt ngọc, chín mươi ông sao trên trời
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục coi dơi hóa chồng.

Cuộc hát càng khuya càng say đắm, họ say nhau về nết, quý nhau về tài ứng đối thông minh có khi gà gáy sáng mới chịu ra về. Ngày hôm sau vẫn không bỏ công việc đồng áng, tối lại hẹn hò nhau canh hát tiếp theo:

Đêm thanh gà gáy cũng thanh
Hàng xóm ngủ cả, xung quanh ngủ rồi
Còn chàng với thiếp mà thôi
Chàng về đi ngủ thiếp tôi ra về.

Hoặc lại hẹn hò:

Anh về, anh bẻ cành lá anh cắm xuống đây,
Đến mai em cứ chốn này mà ra…

Thế mới biết hát trống quân ở Đại Phùng có sức hấp dẫn đến chừng nào. Thế mà một thời gian đã có sự mai một, quên lãng. May thay, những người hát trống quân năm xưa đến nay vẫn còn khá nhiều. Những người cao tuổi từ 70 đến 80 tuổi vẫn còn nhớ đầy đủ lề lối hát trống quân ngày xưa. Bởi vậy trống quân đã có dịp khôi phục lại, không bị thất truyền. 

Hát trống quân là những cơ hội cho bao lứa đôi kết bạn, kết duyên trong sáng mà ân tình. Những cuộc hát giữa trăng thanh gió mát mang đậm tính văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, của văn hóa làng: “Người chơi vừa được hưởng thụ vừa sáng tạo văn hóa”. Bởi vậy hát trống quân ở Đại Phùng chắc chắn sẽ được lưu truyền mãi mãi. 

Minh Nhương