Những sợi tơ lòng chân thành, đau đáu…
Truyện - Ngày đăng : 21:37, 15/03/2018
Đầu đề tập thơ “Thơ anh đây sợi vàng ròng” (Chử Văn Long - NXB Hội Nhà văn 2017) cho ta hiểu tác giả tin ở những gì mình đã viết ra, đó là những sợi tơ lòng chân thành, đau đáu, viết ra vì không thể không viết, nghĩa là đã từng đau khổ, từng sung sướng vì nó và mong được chia sẻ với mọi người. Và tất nhiên, để đến được chỗ đó, tác giả cũng đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh nội tâm, về cách sống, về quan điểm thơ.
Bài thơ đầu tiên của tập thơ “Cánh diều bay khao khát bầu trời” đã bộc lộ với ta khát vọng sáng tạo lớn lao của tác giả và cả những thất vọng vì khát vọng không thành. Chử Văn Long là người đã dám ước mơ, ước mơ cháy bỏng và đã thực hiện được một phần ước mơ ấy. Đó là ước mơ sáng tạo thơ ca với 10 tập thơ trong đó có nhiều bài đi vào lòng người như “Người gánh rơm đi vào thành phố”, “Ru em giấc ngủ canh tà”.

Ở đây tôi chỉ nói về tập thơ mới nhất của anh “Thơ anh - đây sợi vàng ròng”. Tập “Thơ anh - đây sợi vàng ròng“ có tới 5 bài thương nhớ người vợ đã khuất: “Thuở ấy”, “Vườn mộng”, “Đôi guốc võng”, “Khóc hoa hồng”, “Sông Hồng dâng lũ”. “Đôi guốc võng” là hai cái mốc bằng gỗ hình hơi giống chiếc guốc được mắc vào đinh treo võng lên tường, lên cột. Khi nằm võng đung đưa, từ những chiếc guốc võng ngân lên kẽo kẹt. Chiếc võng bằng tơ đó, khi vợ yếu, anh đã mua để mắc cho vợ nằm đón gió trời thoáng mát. Khi vợ mất, chiếc võng đã bị cuộn lại. “Em không còn, võng kia cuốn lại/ Mỗi dây tơ một khúc ruột rối vò/ Như đời anh chẳng còn gì níu buộc/ Đôi guốc võng trên tường thôi kẽo kẹt đung đưa“. Hình tượng ở đây không còn là nghệ thuật nữa mà chính là lòng anh, bởi chị chính là dây níu lớn nhất, quan trọng nhất của anh với cuộc đời. Hoa hồng trong bài “Khóc hoa hồng” cũng vậy, không phải là biểu tượng, là ước lệ nữa mà chính là chị, là trái tim anh, trái tim anh đang nhỏ máu khi nhìn những cánh hồng rơi: “Hoa hồng nở trước nhà, hoa hồng nở/ Chỉ mình tôi ngồi với hoa hồng/ Thương nhớ em tôi thành người thiên cổ/ Từng cánh hoa rơi lệ máu giữa lòng“.
Đời thơ Chử Văn Long, còn có tình anh em cũng rất đằm thắm với thi sĩ Xuân Diệu. Đã hơn 20 năm kể từ ngày Xuân Diệu qua đời, Chử Văn Long đến thăm mộ ông còn như không tin rằng ông đã mất thật: “Em lại đến thắp nén hương trên mộ/ Màu cỏ xanh đã phủ kín đất dày/ Lại một phút bàng hoàng em nghĩ/ Có lẽ nào anh Diệu lại nằm đây?”. “Em mang tới đây những bông cúc trắng/ Như ngày xưa em mua anh cắm trong bình/ Khi đặt xuống giữa nền cỏ biếc/ Mới tin rằng đã thật xa anh“. Sự thật như niềm day dứt của Chử Văn Long khi: “Ân hận ngày anh còn sống/ Tuần một lần em hẹn về thăm/ Rồi lỡ hẹn nhiều khi không về được/ Giờ thành niềm day dứt trong tâm“. (Là thi sĩ). Bài “Nhớ Tết cùng anh Xuân Diệu chọn mua đào“ thì không chỉ là kỷ niệm giữa hai thi sĩ nữa mà còn gợi ra vóc dáng tâm hồn, nhân cách của nhà thơ lớn Xuân Diệu: “Anh nhìn nụ, ngắm chồi, đường cong nét thẳng/ Hoa điểm trang từng cành nhánh thưa mau/ Anh bảo: “Đào hồng như mâm xôi, đơn điệu lắm/ Chọn đào phai cành khoe thắm hoa lâu…“. “Cả Hà Nội thích đào hồng, anh chọn đào phai cho Tết/ Đào rừng bây giờ người ta đã đem về xuôi chăm chiết/ Hóa cây trong chậu sứ chậu sành/ Hoa vẫn hoa xưa nhưng dáng cây đã hết/ Vẻ ngang tàng của núi thẳm rừng xanh”. “Tết này qua Phố Hoa thêm nhớ anh/ Biết tìm anh Diệu nơi đâu cho đỡ nhớ…” “…Tìm tới bảo tàng của Hội Nhà văn/ Gặp anh nhưng là bức tượng màu son trong ô kính hẹp/ (Chẳng hợp với hồn anh buổi đứng trước hoa đào!)… Chử Văn Long đã học ở nhà thơ lớn trước nhất, trên hết là học tâm hồn và nhân cách lớn của nhà thơ! Đoạn cuối bài thơ hoa đào thật hóm hỉnh, đã bộc lộ cách nhìn, quan điểm riêng ở thơ anh!
Chử Văn Long là một nhà thơ của hồn quê, ngoại thành Hà Nội. Một bài thơ đậm hồn cốt thơ anh trong tập thơ là bài “Sông Hồng dâng lũ”. Sông Hồng đã chở tuổi thơ anh, chở ước mơ anh, chở tình yêu của anh. Với chiếc thuyền nan, anh đã cùng người yêu đi về “… qua vườn cây bóng lá/ Chở trăng đi khắp làng”.
Như nhiều ngôi nhà ở nông thôn, nhà anh cũng có một khu vườn rất đẹp mà anh gọi là “Vườn mộng”: “Bốn mùa hoa và cả bốn mùa hương/ Chim trời đến chuyền cành cho khách ngắm/ Hương theo chân bịn rịn cả thôi đường”. “Vườn càng đẹp khi em tôi dạo gót/ Chùm hoa buông chạm mái tóc đen huyền/ Đôi bướm trắng bỗng từ đâu vỗ cánh/ Dưới vòm cây mơ mộng thần tiên”… “Chim hót trên cành, hoa thơm tỏa mát/ Nụ cười em ra ngõ đợi tôi rồi“... Nhưng bây giờ chỉ còn chim hót, hoa nở: “Em bỗng bỏ mình tôi ở lại/ Bỏ cả hương hoa chim chóc vui vầy“. Trăng sáng soi chỉ gợi thêm lòng đau li biệt!
Trong tập thơ này, anh có tới 5 bài viết về vùng mỏ, về những người thợ mỏ, nơi anh đã có gần mười năm gắn bó. Trở lại Hòn Gai, anh không chỉ choáng ngợp trước “Nhà cao loáng nắng ban mai ngỡ ngàng” mà còn sống lại với hoài niệm nhớ nhung: “Muốn đi tìm những ngày xưa lấp chìm/ Bao nhiêu là nhớ với quên/ Chập chờn bay với cánh chim biển chiều”. “Tình tôi gửi trọn phố nghèo/ Hòn Gai từ thuở trong veo hồn người“. Người đọc có thể bắt gặp cả những triết lí, nhân sinh nêu cao giá trị con người với bản chất lao động, vất vả, lam lũ mà vô cùng quý giá trong chùm thơ viết về vùng mỏ trong các bài “Hòn than” hay “Nụ cười người thợ mỏ”.
Một bài thơ khác là bài “Anh Voòng” viết về một người thợ mỏ Hoa Kiều cũng là một bài thơ cảm động về tình người, tình giai cấp của những người lao động mà những biến động của lịch sử không làm mất đi được. Thuở đó, Chử Văn Long làm rừng ở Hòn Gai, còn anh Voòng làm mỏ, hai người quen nhau rồi thân nhau sau một đêm lỡ xe vào trú nhờ lán nhỏ…, tình thương không phân biệt dân tộc, quê hương. Nhưng rồi: “Ngày nhận tin người Hoa về nước/ Tôi vượt rừng ướt sũng đêm mưa/ Chỉ kịp cầm bàn tay lẫn vào bóng tối/ Dốc Hà Lầm không ánh sao thưa…”. Bài thơ kết bằng nỗi nhớ của tác giả 10 năm tuổi trẻ của mình nơi đất mỏ, bỗng nhớ anh Voòng nay về nước hẳn phải nhớ lắm cái vùng đất có “Mộ cha yên nghỉ dưới chân đồi”.
Là nhà thơ, yêu con người, yêu nhân dân, yêu dân tộc, Chử Văn Long không thể không trăn trở, không đau xót trước những thân phận, cuộc đời, những vấn đề “nóng” của đời sống xã hội. Có thể kể tới: “Xin gửi các nhà thơ xứ Huế”, “Thì ra là tảo nở hoa”, “Ơi Vũng Áng”, “ơi Thiên Cầm”, “Về ăn Tết miền Trung”; “Nghĩ về đất nước buồn vui”. Những bài thơ như nhịp đập nóng hổi của Chử Văn Long đã khẳng định thêm thơ chưa bao giờ xa rời nhân quần, chưa bao giờ rời xa cuộc sống.
Bài thơ “Về ăn Tết với miền Trung”, được Chử Văn Long ghi lại bằng mấy câu thơ lục bát cảm động đến xa xót lòng người: …“May còn lại mấy dáng cau/ Góc sân tỏa bóng khoe màu lá xanh/ Hoa cau gửi xuống đất lành/ Trắng như hạt gạo ân tình thủy chung / Hỡi người xa cách Tây, Đông/ Tết này có nhớ miền Trung thì về!“.
Bài thơ khái quát nhất, tổng hợp nhất về nỗi lòng anh đối với cuộc đời, với đất nước, với thời thế là bài “Nghĩ về đất nước buồn vui” trong toàn thể tập thơ. Phải chăng chùm thơ trữ tình thế sự trên cũng là biểu hiện của sự tự cảnh tỉnh lương tâm mỗi con người.
Đọc bài viết của tôi đến đây, chắc có bạn tự hỏi: Sao bài viết chưa nói đến một nhân vật quan trọng đã xuất hiện trong thơ Chử Văn Long trong vài tập thơ trước, đó là người bạn đời sau này của anh. Vâng, chính tôi cũng tự đặt ra câu hỏi ấy và xin được trả lời. Vì mỗi tập thơ có yêu cầu, có trọng tâm của nó. Tình cảm với người bạn đời hôm nay, đã xuất hiện đậm đặc ở những tập thơ trước, nhưng trong tập này không phải không có nàng, ít nhất như một người đối thoại xứng tầm trong tâm tưởng. “Em yêu anh, yêu quá hóa sai lầm/ Nhìn lại tháng ngày thành buồn bã/ Tiền bạc đã không, danh không là gì cả/ Lúc buồn đau đỡ tựa vắng anh hoài…/ Cách trở hai nơi cơm áo vần xoay/ Như chàng thơ mang vụng về chắp nối/ Khát vọng đời anh mãi như chỉ rối/ Nhưng không bao giờ vùi lấp nổi thơ anh!” (Thầm gửi tình đời).
Và phải chăng ở bài thơ cuối tập “Thơ anh đây sợi vàng ròng” sau những câu thơ khắc họa đời thơ mình bằng những nét buồn thấm đẫm, hình ảnh nàng xuất hiện như một ẩn dụ, thấp thoáng, làm người đọc khó nhận ra chính tình yêu lứa đôi của hai người, hai mươi năm buộc chỉ cổ tay, vẫn hai phương trời cách trở… còn tồn tại thương yêu hẳn sợi chỉ kia đã hóa vàng ròng và thơ cũng hóa vàng ròng...