Chủ tịch Nguyễn Đức Chung duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:06, 19/03/2018

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 1292/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Theo Quyết định, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 gồm 159 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 3.204,31ha. Cụ thể: Giai đoạn đến năm 2020, trên địa bàn có 138 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.622,91ha. Giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện, củng cố, chuẩn hóa 64 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.598,1ha. Tiếp tục cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển, lâu dài thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt 22 cụm công nghiệp đang tồn tại trong khu vực vành đai xanh với tổng diện tích khoảng 428,81ha. Thành lập mới một cách có chọn lọc 52 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 596ha.
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, mở rộng 5 cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở giai đoạn 2017 - 2020 với tổng diện tích khoảng 45,4ha. Xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536ha.
Về địa điểm và phân bổ mạng lưới cụm công nghiệp, phía Bắc bao gồm các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm sẽ ưu tiên phát triến công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may; đẩy mạnh liên kết vùng và hai hành lang kinh tế; gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Phía Nam bao gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triến nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội; phát triến công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô)... ; phát triển hành lang kinh tế Bắc Nam dọc quốc lộ 1A.

Phía Tây (khu vực Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn) sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp... Gắn với phát triển Vùng kinh tế Tây Bắc và đường Hồ Chí Minh.

Đối với các cụm công nghiệp mang đặc thù tiểu thủ công nghiệp làng nghề, không gian, quỹ đất phát triển các cụm công nghiệp bố trí xen lẫn trong các không gian phát triển các loại hình khác do đặc thù sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề có mối quan hệ hữu cơ với sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt của Nhân dân tại các làng nghề do vậy không thể bố trí không gian quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp với quy mô lớn như loại hình cụm công nghiệp tập trung.

Đối với các cụm công nghiệp nằm trong vành đai xanh, định hướng tiếp tục phát triển có chọn lọc một số cụm công nghiệp để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh, kết hợp du lịch; Phát triển có tính quá độ (có thời hạn), có kiểm soát, đặc biệt là kiểm soát mạnh về môi trường, theo tiêu chuẩn “Vành đai xanh” của TP; Các cụm công nghiệp này sẽ chuyển đổi mục đích ban đầu khi tự thân không còn hiệu quả kinh tế - xã hội.

Như Hương/KTĐT