Đình Kiều Đông
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:16, 22/03/2018
Cầu Đông là làng Việt cổ thuộc tổng Đường Xuyên, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, sau này đổi thành tỉnh Hà Nội, rồi Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây. Sau cách mạng tháng Tám, làng được đổi tên là Kiều Đông thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông - nay thuộc TP. Hà Nội. Đình lấy tên làng là Kiều Đông thờ Trung Thành phả tế Đại vương - một vị thiên thần có công giúp dân giúp nước, làm thuốc chữa bệnh cho dân làm Thành hoàng làng. Đình còn lưu giữ các tư liệu Hán Nôm, các bản sắc phong và gi
Đình Kiều Đông - công trình kiến trúc cổ tiêu biểu, đặc trưng của văn hóa làng xã đồng bằng Bắc Bộ.
Thời đại Hùng Vương thứ 18 có nhà họ Hải ở quận Hải Đông, đạo Hải Dương. Cả hai vợ chồng luôn làm điều thiện, sống hiền lành, chan hòa với mọi người. Cả hai tuổi đã cao nhưng hiếm muộn về đường con cái. Vào một ngày hè đẹp trời, hai vợ chồng ra bãi biển. Bỗng gió to sóng lớn nổi lên ầm ầm. Chỉ trong chốc lát trời quang mây tạnh. Người vợ nhìn thấy một con rồng vàng nổi trên mặt nước và sinh ra 5 quả trứng. Và trứng trôi đến trước mặt bà. Bột công cũng nhìn thấy và cho là điềm lạ, là báu vật mà thủy phủ ban cho. Bà lội ra và vớt lên xem thì những quả trứng vỡ ra và tan vào nước rồi thấm vào cơ thể. Từ đấy bà mang thai. Sau 14 tháng, tới ngày 12/2 bà sinh ra một bọc có 5 người con trai với dung mạo khác thường. Ông bà đặt tên cho các con là: Cự Lâm, Hồng Lý, Trường, Thạch Khanh và Quý Lân. Năm anh em mặt mũi kỳ dị, thân thể to lớn. Giữa lưng trở xuống có ghi Nhị thập bát tú. Người con cả, trên đầu và hai bên tả hữu đều có sừng, hình tròn như quả trứng. Người thứ hai, dưới chân có 10 móng vuốt đều dài như móng rồng và màu đỏ. Người thứ ba, tay dài quá gối, mặt vuông chữ điền, tai to, mặt đỏ như mặt trời mới mọc, tóc như kỳ lân. Người thứ tư, diện mạo kỳ dị, chân tay đầy lông, lòng bàn tay có chữ Vương. Người thứ năm, mũi rồng hàm én, mắt như sư tử và rất sáng.
Được 4 tuổi, cha mẹ tầm sư học đạo, do thông minh nên mấy năm đã thông tỏ kinh sử; trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Lớn lên đều có sức vóc phi thường. Lúc đi đường thì gió thổi mưa sa, sấm chớp ầm ầm. Khi đó lại có đám mây như cái tán che trên đầu. Đi trên mặt nước như đi trên mặt đất. Khi được 16 tuổi thì mẹ qua đời vào ngày 7/12.
Lúc này nhà vua mở khoa thi để kén nhân tài, năm anh em đều về kinh ứng thí. Vua Hùng Duệ Vương nhận thấy 5 anh em là những nhân tài xuất chúng. Người đã ban tước, cho lập ấp, cấp ruộng theo thứ tự cao thấp khác nhau. Người anh cả được phong Đông Long Thái sư (tức Cự Lâm, và sau này được phong Trung Thành Đại vương). Người thứ hai được phong Tây Long Thái phó. Người thứ ba được phong Nam Long Trưởng lệnh, quyền trưởng Trung Hoa (?) tể quốc làm thổ lệnh, thống lĩnh thủy binh. Người thứ tư là Bắc Long Thái Bảo. Người thứ năm là Thiếu Long. Nhà vua còn phong người cha là Bột công Đại vương.
Sau đó nhà vua còn cho 5 anh em mang theo 5 đạo quân đi kinh lý ở 5 phương để cầu mưa, trị thủy. Từ đó nhân dân thoát khỏi cảnh hạn hán đói kém. Cấy cày trồng trọt mùa màng bội thu, đời sống no đủ. Mọi người khỏe mạnh không còn ốm đau bệnh tật.
Sau 10 năm nhân dân sống trong cảnh thanh bình thịnh trị, bỗng nhiên xảy ra nạn hồng thủy, nhiều làng mạc bị nước cuốn trôi. Hùng Duệ Vương triệu Trưởng công cầm quân cứu hộ, giúp dân đắp đê, khôi phục đường xá bị vỡ. Ngài đi đến đâu đều được thủy thần, giao long phù trợ nên đã khắc phục nạn lũ lụt phá hủy, đời sống người dân trở lại bình thường.
Thuở ấy, Hùng Duệ Vương tuổi đã cao lại không có người kế vị, nên Thục Phán đem quân xâm lược Văn Lang hòng cướp ngôi báu. Hùng Duệ Vương triệu Tản Viên Sơn Thánh và Thái công thống lĩnh hai đạo quân thủy bộ tiến đánh quân Thục trên đất Biền Châu. Mấy chục vạn quân Thục bị đánh tan tác, chúng phải tháo lui. Thắng trận trở về, Ngài được nhà vua phong mỹ tự là Trung Thành Đại vương. Sau này quân Thục nhiều lần đem quân tái xâm chiếm bờ cõi hòng cướp ngôi vua. Nhưng Tản Viên Sơn Thánh và Trung Thành Đại vương đã cầm quân đánh tan quân Thục để giữ yên bờ cõi.
Đất nước trở lại thái bình, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc. Trung Thành Đại vương vi hành khắp thiên hạ, lên rừng xuống biển không đâu không đến. Vào một ngày, Ngài đáp thuyền đến trang Tông Chất. Nhận thấy nơi đây sông nước hữu tình, trên bến dưới thuyền, cảnh quan thơ mộng, người dân sống đủ đầy. Mặt khác, trang Tông Chất lại gần ngã ba Lương Giang có thể lập quân doanh cho thủy binh rất thuận lợi. Ngài tâu vua xin lập hành cung tại đây. Vua Hùng chuẩn y... Sau này, một lần cầm quân dẹp loạn, thắng trận trở về, Ngài mở tiệc khao thưởng quân sĩ, rồi hướng về đất Phong Châu vái lạy vua Hùng và hóa vào ngày 10/6 tại ngã ba Lương Giang (từ làng Kiều Đông theo dòng Lương Giang về hướng Đông khoảng 1km đến ngã ba sông). Nhớ công lao của Ngài, nhà vua chiếu chỉ cho trang Tông Chất và nhiều nơi lập đền thờ; đồng thời phong mỹ tự Phổ tế Trung Thành Đại vương thượng đẳng phúc thần. Trong đó có làng Kiều Đông cũng thờ Ngài làm Thành hoàng.
Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… thần đều tỏ rõ linh thiêng giúp dân cứu nước, nên các triều vua đều gia phong mỹ tự và sắc phong để hậu thế phụng thờ. Hiện tại, đình còn lưu giữ 2 bản sắc phong do các triều đại phong kiến ban và phong Thần cho đức Thành hoàng. Trong đó có một bản phong cho Nguyệt Nga phu nhân tôn thần, triều vua Khải Định thứ 9 (1924). Nguyên văn bản sắc phong như sau:
“Sắc Hà Đông tỉnh, Phú Xuyên huyện, Cầu Đông xã tòng tiên phụng sự Nguyệt Nga phu nhân tôn thần nguyên tặng sắc nghiêm hình quang huy lăng viên tĩnh tế tĩnh dực bảo trung hưng nguyên trung đẳng thần hộ quốc tí dân lẫm trứ linh ứng tiết mông. Ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ gia tặng trang vi thượng đẳng thần đặc chuẩn phụng sự duy trì quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật”.
Đình Kiều Đông với những giá trị khoa học, nghệ thuật, văn hóa và lịch sử nổi bật, là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu, đặc trưng của văn hóa làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi đình đã có cách nay trên 200 năm do người dân xây dựng. Ngôi đình mang dấu ấn và phong cách nghệ thuật nhiều giai đoạn phát triển khác nhau qua các lần trùng tu tôn tạo và vẫn đậm nét của nghệ thuật điêu khắc truyền thống.
Ngôi đình hướng Bắc, trước nghi môn là hồ nước lớn bên bờ dòng Lương Giang xanh trong. Đây là nơi tụ linh, tụ khí và tụ phúc của làng. Phong cách nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn phong cách thời Lê. Qua thời gian, đến những lần trùng tu tôn tạo một số hạng mục chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn. Nhưng nhiều hạng mục chạm khắc vẫn đậm nét của nghệ thuật thời Lê.
Lễ hội của làng Kiều Đông gắn liền với ngày sinh, ngày hóa của Thần vẫn còn duy trì cho đến ngày nay. Những ngày lễ hội, nhân dân dù đi làm ăn nơi xa đều quần tụ về làng hành lễ, cầu mong Quốc thái dân an, con cháu, anh em, nhân dân gần xa về họp… và bàn việc xây dựng các công trình của làng… tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt chan hòa…