Phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:55, 06/04/2018
Phố Nguyễn Đình Chiểu dài 432m, rộng 8m.
Đây nguyên là phần đất các thôn Thiền Quang, thôn Thể Giao, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) và thôn Hậu Phong Vân, tổng Tả Nghiêm (sau đổi là thôn Vân Hồ - do hợp nhất với thôn Long Hồ - thuộc tổng Kim Liên).
Đây là một phố mới hình thành khoảng năm 1940. Dọc đường phía bên công viên vốn là khu nhà tranh lụp xụp và bãi rác. Từ ngày giải phóng Thủ đô, nhân dân thành phố đã chung sức cải tạo khu vực này thành một đường phố phong quang. Những ngôi nhà kiến trúc kiểu mới càng làm cho phố thêm đẹp.
Thời Pháp thuộc, phố này có tên là đường D (voie D). Thời tạm chiếm đổi gọi là đường 296, sau hòa bình đổi tên thành phố Nguyễn Đình Chiểu cho đến nay.
Nay thuộc phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.
Nguyễn Đình Chiều (1822-1888) tục gọi Đồ Chiểu, quê ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Quê gốc ở Thừa Thiên.
Năm 1848, đang trọ học ở Huế để chuẩn bị thi cử thì mẹ mất, ông bỏ về chịu tang, do khóc thương nhiều nên đau mắt rồi bị mù. Sau đó ông sống nhờ nghề dạy học.
Năm 1859, Pháp đánh Gia Định, ông chạy về Cần Giuộc. Cần Giuộc bị chiếm, ông về Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Tới khi giặc Pháp đã chiếm hết đất Nam Bộ, chúng tìm cách mua chuộc nhưng ông kiên quyết không chịu hợp tác. Ông luôn guywx tấm lòng trung thành với tổ quốc, ngoài ra còn làm thuốc cứu dân. Ông viết nhiều thơ văn bày tỏ lòng yêu nước căm thù như Thơ viếng Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Hịch đánh chuột... Những thơ văn đó cùng với những tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp là tài sản văn học quý giá của dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu như sau: “Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn ĐÌnh Chiểu là tấm gương sáng nêu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.